Theo dõi Báo Hànộimới trên

WHO kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét

Thương Nguyệt| 26/04/2023 14:51

(HNMO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường các biện pháp và chiến lược mới, cũng như hiện có trong ngăn ngừa và điều trị bệnh sốt rét.

Gần 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh và tử vong do sốt rét ở Ghana, Kenya và Malawi đã được tiêm liều vắc xin sốt rét RTS,S/AS01 (RTS,S) đầu tiên nhờ một chương trình thí điểm do WHO điều phối.

Các chương trình thí điểm vắc xin sốt rét được triển khai từ năm 2019 đã và đang giúp những trường hợp dễ bị tổn thương nhất tiếp cận với các biện pháp phòng, chống sốt rét. Nếu được triển khai rộng rãi, WHO ước tính hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm sẽ được cứu sống.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, với sự đầu tư bền vững và nỗ lực tiếp cận những đối tượng có nguy cơ cao nhất, việc loại trừ bệnh sốt rét ở nhiều quốc gia là điều khả thi.

Theo báo cáo về sốt rét được công bố vào tháng 12-2022, ước tính khoảng 247 triệu ca sốt rét mới được ghi nhận năm 2021. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm khoảng 95% tổng số ca mắc (tương đương 234 triệu ca) và 96% tổng số ca tử vong (tương đương 593.000 ca) ở năm 2021. Gần 80% ca tử vong do sốt rét ở châu lục này là trẻ em dưới 5 tuổi.

Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh sốt rét.

Các quốc gia đã đạt được một số tiến bộ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận những biện pháp phòng, chống sốt rét đối với các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại châu Phi cận Sahara, do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, thiếu nguồn tài trợ, hệ thống giám sát yếu kém và sự suy giảm hiệu quả của các phương thức phòng, chống sốt rét cốt lõi. 

Để giải quyết những mối đe dọa và hỗ trợ các quốc gia xây dựng chương trình phòng, chống sốt rét hiệu quả hơn, WHO mới đây đã công bố một loạt biện pháp mới gồm: Chiến lược ngăn chặn tình trạng kháng thuốc sốt rét ở châu Phi; sáng kiến ngăn sự lây lan của muỗi Anopheles trong môi trường đô thị; một bộ công cụ mới trong đánh giá hệ thống giám sát bệnh sốt rét và xác định các lĩnh vực cần đầu tư. 

Tiếp tục đầu tư vào phát triển và triển khai các loại vắc xin sốt rét mới, cũng như các biện pháp phòng, chống thế hệ tiếp theo sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu về sốt rét toàn cầu vào năm 2030.

Vắc xin sốt rét R21/Matrix-M (R21) nếu được phê duyệt có thể giúp thu hẹp khoảng cách lớn giữa cung và cầu, đồng thời giảm hơn nữa tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trẻ em. Ưu tiên hàng đầu của WHO là tiếp tục đánh giá toàn diện tính hiệu quả của vắc xin R21 sau khi có thêm dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn 3 đang được tiến hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
WHO kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.