(HNMO) - Theo CNN ngày 2-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về nguy cơ sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị Covid-19 sẽ thúc đẩy sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Thống kê toàn cầu mới đây cho thấy, các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn hay vi rút tại nhiều quốc gia đã ngày càng kháng thuốc trong quá trình điều trị. Thế nên, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy nguy cơ này.
WHO cũng khẳng định, vi rút SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu sau khi có thông tin từ một bác sĩ hàng đầu Italia cho rằng chủng vi rút này đã biến đổi và yếu dần.
Tính đến 6h ngày 3-6, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 381.608 người trong số 6.470.008 người mắc bệnh trên toàn thế giới.
Châu Âu
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2-6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu từ ngày 15-6 trong bối cảnh nhiều nước tại châu lục đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Theo kế hoạch này, Đức có thể nối lại việc đi lại với ít nhất 31 nước châu Âu.
Số ca nhiễm Covid-19 mới hằng ngày đang giảm đều ở Tây Âu, trong khi các điểm nóng ở Nga và Đông Âu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nga có tới 8.863 ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 2-6, nâng tổng số ca nhiễm lên 423.741 ca, mức cao thứ ba thế giới, trong đó có 5.037 ca tử vong. Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn kế hoạch khôi phục nền kinh tế nước này do Thủ tướng Mikhail Mishustin đệ trình. Theo thông báo, chi phí của kế hoạch lên tới 5.000 tỷ ruble (72,75 tỷ USD) và mục tiêu chính là hỗ trợ người dân cùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, ngày 2-6, Tây Ban Nha không ghi nhận ca nhiễm mới nào lần đầu tiên sau 3 tháng. Italia có thêm 55 ca tử vong, mức tương đối thấp so với số liệu trung bình thời gian gần đây của nước này.
Châu Mỹ
Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố ngày 2-6 nhận định, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ mất gần một thập kỷ để phục hồi hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi một loạt các cuộc khảo sát cho thấy xu hướng tiếp tục suy yếu của sản xuất toàn cầu.
CBO dự báo, Covid-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại khoảng 8.000 tỷ USD trong thập kỷ này, giảm khoảng 3% so với dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều quốc gia ở khu vực Trung Mỹ như Mexico, Panama, El Salvador, Guatemala, Honduras và Costa Rica đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế để từng bước mở cửa lại nền kinh tế dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Châu Á
Ngày 2-6, Bộ Y tế Iran xác nhận 3.117 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 157.562 ca. Số ca nhiễm đang tăng tại nước Cộng hòa Hồi giáo này kể từ khi xuống mức thấp nhất trong 2 tháng vào ngày 2-5.
Giới chức thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch của Trung Quốc, cho biết xét nghiệm trên diện rộng từ ngày 14-5 đến 1-6 cho thấy không có ca nhiễm mới nào. Thành phố này bắt đầu chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng đối với 9,9 triệu người sau khi xuất hiện các ca bệnh mới, làm dấy lên lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.
Cũng trong ngày 2-6, học sinh mẫu giáo và 3 lớp đầu tiên của cấp tiểu học tại thành phố Thượng Hải đã trở lại trường học. Trước đó, học sinh các cấp học lớn hơn ở thành phố cũng đã đi học trở lại.
Sau vụ lây nhiễm tập thể tại một trung tâm phân phối hàng hóa của trang bán hàng trực tuyến Coupang, Hàn Quốc lại phát hiện những ca nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động tôn giáo. Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 2-6 cho thấy, trong 38 ca mắc mới, có tới 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca trong số này nhiễm SARS-CoV-2 do tham gia sinh hoạt tôn giáo tập thể, chủ yếu ở thủ đô Seoul và thành phố Incheon.
Theo số liệu ngày 2-6 của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đến nay đã tăng lên 198.706 ca sau khi ghi nhận thêm 8.171 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.598 ca tử vong. Cùng ngày, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng vi rút Remdesivir trong điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia, nước này ghi nhận 609 ca mới và 22 ca tử vong. Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Indonesia Fachrul Razi cho biết nước này đã hủy lễ hành hương Haj trong năm nay tại đất nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới này do lo ngại về dịch Covid-19.
Cùng ngày, các trường học ở Singapore mở cửa trở lại sau gần 2 tháng ngừng hoạt động do dịch Covid-19.
Sau hai ngày thảo luận, ngày 2-6, Thượng viện Thái Lan đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD) để giảm thiểu những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.