Theo dõi Báo Hànộimới trên

Wayang topeng - điệu múa độc đáo của xứ vạn đảo

Quỳnh Dương| 12/06/2021 18:45

(HNMCT) - Đứng trước tác động mạnh mẽ của xu hướng hội nhập, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Indonesia có nguy cơ bị mai một. Để bảo tồn và phát huy kho tàng quý giá này, nhiều năm qua, chính quyền xứ vạn đảo đã tích cực triển khai các biện pháp, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương. Nhờ những nỗ lực này, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã được bảo tồn, trong đó có điệu múa mặt nạ Wayang topeng.

Một buổi biểu diễn Wayang topeng trên đảo Java.

Là một trong 3 loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ nhất của cộng đồng nói tiếng Java, điệu múa Wayang topeng gây ấn tượng với người xem bởi các loại mặt nạ mà người nghệ sĩ đeo trong lúc biểu diễn. Người dân đảo Java cho rằng, khi mang mặt nạ, người diễn viên phải từ bỏ bản ngã của mình, nhường chỗ cho nhân vật, thường là một con quỷ, một vị anh hùng hay một vị thần.

Theo tư liệu lịch sử, Wayang topeng được phát hiện lần đầu tiên trong một tác phẩm văn học từ năm 1058. Có 2 dạng hình biểu diễn Wayang topeng là cung đình và dân gian. Nghệ thuật biểu diễn Wayang topeng mang tính hướng thiện, hội tụ những tinh hoa trong cuộc sống và nền văn hóa Indonesia. Cùng với những lời răn dạy từ các câu chuyện sử thi, con người có thể nhìn nhận lại bản thân. Những vở diễn chủ yếu được lấy cảm hứng từ các câu chuyện sử thi Ấn Độ, triết lý phương Đông (đạo Hindu, Phật giáo, Hồi giáo…). Khi trình diễn nghệ thuật múa Wayang topeng luôn có dàn nhạc gamelan (tương tự dàn nhạc cồng chiêng của các dân tộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam) với các nhạc cụ gõ phụ họa.

Sân khấu biểu diễn Wayang topeng được coi là khu vực linh thiêng. Vì vậy, trước mỗi buổi diễn, diễn viên chính thường đi vòng quanh vẩy nước thánh, đọc thần chú để thanh tẩy sân khấu. Khu vực biểu diễn có hình chữ nhật, với phông vẽ hình biểu trưng cho cổng đền thờ. Điều này bắt nguồn từ việc Wayang topeng là một nghi lễ tôn giáo, thường được tổ chức trước các đền thờ đạo Hindu. Khán giả ngồi xung quanh sân khấu và tương tác với vở diễn.

Phát triển song song với Wayang topeng là nghề làm mặt nạ phục vụ các vở diễn, được mở rộng ở nhiều làng quê trên đảo Java. Những người thợ chạm mặt nạ được coi là những nghệ nhân và được cộng đồng kính trọng. Nghề tạo tác mặt nạ phải tuân thủ những nguyên tắc kỹ thuật, thẩm mỹ và nghi lễ rất chặt chẽ. Mặt nạ Wayang topeng được chia thành hai tuyến nhân vật: Gagah - những nhân vật với tính cách mạnh, gân guốc, và Alus - những nhân vật với tính cách tao nhã. Quy trình làm mặt nạ bắt đầu từ bước chọn gỗ đến phác thảo, chạm thô, tạo hình hài mặt nạ, sau đó là trang trí và làm lễ cúng hoàn thành mặt nạ. Các quy trình kỹ thuật làm mặt nạ đều gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và mỗi bước kỹ thuật đều có ý nghĩa biểu tượng nhất định.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghệ thuật múa Wayang topeng tưởng như đã biến mất khỏi sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, từ những năm 1990, chính phủ và các tổ chức tư nhân ở Indonesia đã quan tâm đến việc bảo tồn Wayang topeng với nỗ lực tái thành lập các phường diễn truyền thống ở nhiều địa phương.

Wayang topeng cũng được đưa vào chương trình giảng dạy của một số đơn vị đào tạo cấp đại học, cao đẳng và trung học ở nhiều vùng của Java. Trong chương trình giáo dục học sinh trung học ở Malang, nghệ thuật biểu diễn điệu múa mặt nạ và nghề làm mặt nạ thủ công được đưa vào giảng dạy. Học sinh được học cách múa mặt nạ cùng những kỹ thuật chạm khắc mặt nạ đơn giản để các em hiểu hơn về giá trị đạo đức truyền thống và giữ gìn di sản văn hóa của cha ông.

Bên cạnh việc giới thiệu điệu múa này trong các không gian truyền thống, giờ đây Wayang topeng còn được biểu diễn tại các nhà hát hiện đại, với những vở diễn được rút ngắn để phục vụ khách du lịch. Du khách thăm đảo Java có thể dễ dàng xem các buổi biểu diễn múa mặt nạ kết hợp với nghi lễ dâng cúng tổ tiên, cầu bình an ở nhiều ngôi làng. Cùng với đó, du khách cũng có thể thử chạm mặt nạ dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân hoặc mua làm quà lưu niệm. Kích thước của mặt nạ lưu niệm thường nhỏ hơn mặt nạ biểu diễn, chủ yếu để trang trí. Điều này không chỉ giúp cộng đồng địa phương giữ gìn được nghề thủ công truyền thống, mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho các gia đình.

Từ trường hợp điệu múa Wayang topeng của người Java, có thể thấy, “chìa khóa” để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thành công không chỉ là sự am hiểu về di sản mà còn là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng. Nói cách khác, việc triển khai hiệu quả chính sách bảo tồn di sản gắn với cộng đồng đã tiếp sức cho các loại hình nghệ thuật truyền thống được phát huy giá trị một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Wayang topeng - điệu múa độc đáo của xứ vạn đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.