(HNM) - Hơn một năm qua là quãng thời gian Hà Nội tiếp tục ghi những dấu ấn đậm nét trong công tác chăm lo cho đời sống nhân dân; phòng, chống dịch Covid-19. Việc Hà Nội vững vàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân để đưa Thủ đô phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Nỗ lực phòng, chống dịch
Từ cuối năm 2019 đến nay, cả thế giới chao đảo trước đại dịch Covid-19. Ngày 6-3-2020, Hà Nội ghi nhận ca bệnh đầu tiên - đây cũng là ca Covid-19 thứ 17 xuất hiện tại Việt Nam. Ngay thời điểm đó, công tác phòng, chống dịch của Hà Nội được thực hiện trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Thành ủy là không chủ quan, lơ là, “chống dịch như chống giặc” và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Điểm nổi bật là các đồng chí lãnh đạo thành phố, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trực tiếp ở cơ sở. Nhờ vậy, các giải pháp phòng, chống dịch của thành phố được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai rất nhanh chóng các kịch bản đã đề ra, chủ động với phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Trong hơn 1 năm, trải qua 4 đợt dịch Covid-19, 5 đội cơ động đáp ứng nhanh của thành phố Hà Nội cùng với 60 đội cơ động của trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã luôn hoạt động hết công suất. Ngoài ra, các “chiến sĩ áo trắng” của Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng ứng trực 24/7 để thực hiện hàng nghìn xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, ngành Y tế Thủ đô luôn sẵn sàng triển khai mọi giải pháp, trong đó có việc sàng lọc đối tượng nguy cơ ngay khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên địa bàn Hà Nội. Việc làm kịp thời này đã được thực hiện trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, cho khoảng 4.000 đối tượng, gồm: Công nhân khu công nghiệp, nhân viên nhà hàng, nhân viên làm việc tại bến xe, người dân ở chung cư nhằm có thể phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Đây là giải pháp cần thiết, thể hiện tính chủ động trước mọi tình huống trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn luôn rình rập.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, những tháng ngày căng mình chống dịch, các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã ngày quên ăn, đêm quên ngủ và chấp nhận xa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Các cán bộ chống dịch đã phải làm việc xuyên đêm để xét nghiệm, truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lan rộng. Nhờ đó, các đợt xuất hiện dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đều nhanh chóng được kiểm soát. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 242 ca mắc Covid-19, nhưng chưa có ca tử vong. Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội Thủ đô phục hồi, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự nỗ lực của y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ vậy đã góp phần vào việc thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát và chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh; thực hiện tốt các chương trình tiêm chủng mở rộng... Ngoài ra, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi gia đình chung tay phòng, chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Tập trung chăm lo đời sống nhân dân
Cùng với nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, năm 2020, Hà Nội đã dành nguồn lực không nhỏ để giảm nghèo, trợ giúp cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn lực hỗ trợ được đầu tư, triển khai linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng cần trợ giúp. Nổi bật là việc triển khai hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã diễn ra an toàn, đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2020, toàn thành phố có 514.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ an sinh xã hội, với tổng kinh phí hơn 604 tỷ đồng.
Nhớ lại quá trình đưa chính sách đến với người dân, ông Nguyễn Thế Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) chia sẻ: “Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ không dễ thực hiện, song chúng tôi đã làm việc với tinh thần: Việc gì có lợi cho dân, thì dù khó cũng phải làm. Tinh thần này đã được Thành ủy, trực tiếp là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo nhất quán tại các chương trình, nghị quyết cũng như ở các hội nghị”.
Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu “Không để ai bị ở lại phía sau”, ngoài các chính sách chung, năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai hiệu quả một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Theo đó, thành phố đã, đang trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng bằng mức chuẩn nghèo cho gần 8.000 người có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho hàng nghìn học sinh là thành viên của hộ gia đình mới thoát nghèo. Ngoài ra, các địa phương đưa nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Được thụ hưởng chính sách này, bà Nguyễn Thị Thực (ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), hiện sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội chia sẻ: “Từ năm 2019 trở về trước, do tuổi cao, sống đơn thân, lại mắc nhiều bệnh mạn tính, nên cuộc sống của tôi thiếu thốn đủ bề. Từ năm 2020 đến nay, nhờ được sống dưới ngôi nhà chung dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống của tôi bước sang trang mới, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần”.
Giúp mọi người dân được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội, Hà Nội còn thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp hằng tháng cho hơn 190.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; chăm lo đời sống, sức khỏe cho hơn 2.700 người đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đáng chú ý, 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được cấp thẻ xe buýt miễn phí… Các trường hợp gặp khó khăn đột xuất được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội chung tay chăm lo, trợ giúp.
Thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân Thủ đô ngày càng ổn định, phát triển. Năm 2020, Hà Nội có 4.577 hộ thoát khỏi cảnh nghèo, hiện cơ bản không còn hộ nghèo; có thêm 3 quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên và 2 huyện Gia Lâm, Hoài Đức không còn hộ nghèo. Đến thời điểm này, Hà Nội có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.
Luôn theo dõi sát sao các vấn đề xã hội ở Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, càng trong khó khăn, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến đời sống nhân dân ở Thủ đô càng thể hiện rõ nét, tinh thần “tương thân, tương ái” vì thế càng lan tỏa. Điều này được thấy rõ qua những kết quả, thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Để đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài những chính sách đã, đang thực thi, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.