Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt khó, hợp tác quốc tế thành công

Sơn Tùng| 23/09/2018 07:34

(HNM) - Trước những yêu cầu bức thiết góp phần thực hiện Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngày 13-6-1996, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2031/QĐ-UB thành lập Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng.

Duy trì vệ sinh chuồng trại là tiêu chí quan trọng.


Ban đầu, trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận động vật hoang dã do các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu do săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép để tổ chức cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên và thực hiện công tác kỹ thuật bảo vệ rừng. Sau hai lần thay đổi, tổ chức lại, ngày 28-6-2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4018/QĐ-UBND và trung tâm có chức năng, nhiệm vụ như hiện nay: Cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2).

Khi thành lập, trung tâm chỉ có 7 cán bộ, nhân viên, chưa có trụ sở làm việc, chưa có chuồng trại cứu hộ động vật hoang dã. Với nhiệm vụ được giao hoàn toàn mới, không được đào tạo chuyên môn cho công tác cứu hộ, cơ sở vật chất thiếu thốn là thách thức lớn đối với trung tâm. Trong quá trình hoạt động cứu hộ, trung tâm gặp không ít khó khăn bởi số động vật hoang dã đang cứu hộ, bảo tồn tại trung tâm thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng nhất và việc xử lý của các cơ quan thừa hành pháp luật còn chậm trễ. Mặt khác, diện tích mặt bằng của trung tâm quá chật hẹp, chỉ đáp ứng được nuôi nhốt, cứu hộ mà chưa có diện tích xây dựng chuồng trại bán hoang dã cho các cá thể trước khi thả về môi trường tự nhiên. Các vụ việc giải quyết liên quan đến buôn bán trái phép động vật hoang dã đều chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp nhận, chăm sóc...

Song, với tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm các thời kỳ cùng sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các cấp chính quyền TP Hà Nội, trung tâm từng bước hoạt động ổn định. Cùng với các chương trình hợp tác quốc tế, đơn vị đã gửi thông điệp tới bạn bè quốc tế về một Hà Nội yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực không ngừng thực hiện tốt các cam kết quốc tế về động vật hoang dã.

Cụ thể, từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ hàng ngàn vụ động vật hoang dã với hơn 100 loài từ các cơ quan chức năng của thành phố, như: Kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, hải quan và các tỉnh, thành khác trên cả nước. Trong đó có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB. Sau cứu hộ, trung tâm phối hợp tổ chức thả về môi trường tự nhiên tại các vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng và chuyển giao cho các vườn thú, các cơ quan khoa học phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập, giáo dục cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.

Ngoài ra, trung tâm còn làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã. Đặc biệt, trung tâm đã tạo đột phá trong nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã như loài hổ, vượn đen má trắng, khỉ đuôi dài...

"Với phương châm cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã chính là bảo vệ nguồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường bền vững, trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Ngoài các chương trình hợp tác cụ thể của đơn vị với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội còn phối kết hợp với các tổ chức khác như: Trung tâm gấu Tam Đảo thuộc Tổ chức phi Chính phủ AAF; Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương... để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Trịnh Thị Thu Hằng khẳng định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó, hợp tác quốc tế thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.