(HNM) - Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức
Bà Vizi Katalin (giữa) cùng đồng nghiệp chuẩn bị món ăn. |
Ngay từ sáng sớm, không khí chuẩn bị cho lễ hội đã tấp nập. Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng lễ hội đã thu hút sự tham gia, cổ vũ của hàng ngàn phụ nữ trong nước và nước ngoài gồm đại diện của đại sứ quán (ĐSQ) các nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, cán bộ, hội viên phụ nữ 29 quận, huyện... Lễ hội tổ chức với 4 nội dung chính: liên hoan văn nghệ, thời trang; văn hóa ẩm thực; giao lưu thể thao; trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
"Ngay từ sáng sớm, tôi đã cùng đồng nghiệp chuẩn bị món ăn để dự liên hoan ẩm thực. BTC thông báo mỗi ĐSQ chuẩn bị từ 1 đến 2 món ăn đặc trưng của nước mình, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị 3 món. Tôi rất vui khi được tham gia lễ hội vì đây là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật ẩm thực cũng như sản phẩm truyền thống của mỗi nước" - nữ Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hunggari tại Việt Nam Vizi Katalin nói. Đã từng sống và làm việc tại Việt Nam gần 3 năm, bà rất thích các món ăn của Hà Nội.
Chị Tanya Ischenko, phu nhân của một cán bộ ĐSQ Ucraina tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên tham gia lễ hội này. Chúng tôi cũng chuẩn bị 3 món ăn truyền thống của Ucraina để giới thiệu với bạn Việt Nam và quốc tế, nhưng tôi không biết gọi tên tiếng Việt các món ăn này như thế nào. Tất cả đều do chúng tôi tự làm". Chị cho biết chồng và hai con trai rất thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là phở và nem rán và thường xuyên ăn phở vào các buổi sáng. Gia đình chị cảm thấy rất hạnh phúc và không gặp bất cứ khó khăn nào khi sống, làm việc tại Việt Nam.
Trong không khí tưng bừng của lễ hội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng đã nhắc lại sự kiện cách đây vừa tròn 100 năm khi phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ, Đại hội Phụ nữ quốc tế họp tại Côpenhaghen (Đan Mạnh) đã quyết định lấy ngày 8-3 làm Ngày Quốc tế phụ nữ. Đây là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ lao động với khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ, làm việc ngang nhau, bảo vệ bà mẹ trẻ em. Từ đó, ngày 8-3 hằng năm đã trở thành ngày hội của phụ nữ trên toàn thế giới, phấn đấu cho mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, lễ hội là một hoạt động ý nghĩa góp vào vườn hoa muôn sắc hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ Hunggari? Bà Vizi Katalin cho rằng, điểm khác biệt lớn đó là phụ nữ trẻ Việt Nam rất quan tâm đến cuộc sống gia đình. Những áp lực ngày một lớn về công việc, tài chính khiến phụ nữ trẻ Hunggari quan tâm đến sự nghiệp nhiều hơn là công việc gia đình. Phụ nữ Việt Nam cũng phải đi làm việc ở công sở như nam giới nhưng họ lại dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái cũng như bố mẹ già. Đây là điều mà phụ nữ Hunggari phải học tập. Theo bà, để đạt được sự tiến bộ của phụ nữ, hay sự bình đẳng nam - nữ, đơn giản chúng ta chỉ cần tạo cho phụ nữ và nam giới những cơ hội như nhau. Khi phụ nữ có cơ hội để lựa chọn công việc mình thích, chúng ta cần ủng hộ để họ đạt được điều đó.
Đã từng sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào Xủnthon Xaynhachắc bày tỏ ấn tượng ở người phụ nữ Việt Nam là sự cố gắng vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của gia đình và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.