(HNM) - Vừa tổ chức lực lượng nhằm duy trì vị thế dẫn đầu, vừa nỗ lực hoàn thiện các khâu chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 - năm 2018, có thể nói gánh nặng trọng trách của Hà Nội không hề nhỏ...
Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức - công trình được cải tạo phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc 2018. Ảnh: Hải Anh |
- Việc đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 - năm 2018 thực sự là một trọng trách của Hà Nội, thưa bà...
- Đại hội Thể thao toàn quốc là đấu trường thể thao quốc nội lớn nhất, được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó tạo bước phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao thành tích thể thao đỉnh cao. Quá trình chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội cũng khuyến khích các địa phương đào tạo vận động viên, đóng góp cho các đấu trường quốc tế lớn như Olympic, ASIAD, SEA Games… Căn cứ kết quả Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8, chúng ta có thể đánh giá lực lượng, trình độ phát triển thể thao thành tích cao trong cả nước, của từng địa phương, của các ngành trong giai đoạn 2014-2018, làm tiền đề xây dựng kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn tiếp theo. Với ý nghĩa quan trọng đó, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác đăng cai và chuẩn bị lực lượng cho Đại hội.
- Bà có thể chia sẻ về quy mô của kỳ Đại hội này?
- Đại hội có 743 nội dung thi đấu của 36 môn thể thao, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và ngành Công an, Quân đội. Giai đoạn cao điểm của Đại hội diễn ra từ ngày 24-11 đến ngày 10-12 tại Hà Nội - nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 36 môn đấu (riêng phân môn xe đạp địa hình sẽ diễn ra tại tỉnh Hòa Bình). Không chỉ bảo đảm tổ chức Đại hội thành công, Hà Nội còn phải tổ chức lực lượng thi đấu đạt kết quả cao, bảo vệ vị trí thứ nhất toàn đoàn, khẳng định vị thế số 1 của thể thao Hà Nội trong cả nước.
- Công tác chuẩn bị tính đến thời điểm này đã được tiến hành đến đâu, thưa bà?
- Thủ đô Hà Nội có nhiều kinh nghiệm đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao nên mọi khâu chuẩn bị đều được thực hiện bài bản. Nhưng các công trình thể thao của Hà Nội đa phần được đầu tư từ đợt đăng cai SEA Games 22 - năm 2003, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp. Vì vậy, tiến độ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ Đại hội được đặc biệt quan tâm. Tính đến nay, trong số 22 công trình phục vụ Đại hội do TP Hà Nội quản lý có 17 công trình đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa. Nhà thi đấu của hầu hết quận, huyện đều được nâng cấp, cải tạo trong dịp này. Chỉ còn vài công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện.
- Hà Nội gặp khó khăn gì trong quá trình chuẩn bị?
- Với một số công trình do các bộ, ngành, doanh nghiệp quản lý, tiến độ sửa chữa còn chậm, như sân điền kinh thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình hiện mới đang triển khai thủ tục mời thầu cải tạo, sửa chữa. Trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu ở một số môn còn thiếu, cần sớm triển khai mua sắm. Bên cạnh đó, công tác vận động tài trợ cho Đại hội cũng còn nhiều hạn chế...
- Lễ khai mạc được ví như "bộ mặt" của Đại hội. Hà Nội đã chuẩn bị việc này như thế nào, thưa bà?
- UBND TP Hà Nội đã giao Sở Văn hóa và Thể thao lựa chọn đơn vị tư vấn kịch bản cho lễ khai mạc và lễ bế mạc. Dự thảo kịch bản đã được chỉnh sửa nhiều lần, mục tiêu là tổ chức chương trình trang trọng, giàu tính nghệ thuật, làm nổi bật bản sắc văn hóa của các dân tộc trên mọi miền đất nước cùng hội tụ về Thủ đô.
- Việc tổ chức lực lượng vận động viên đủ sức duy trì vị thế dẫn đầu toàn đoàn không hề dễ dàng. Công tác này đã được thực hiện ra sao?
- Lực lượng chủ lực của Hà Nội vừa góp phần quan trọng vào thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18-2018. Hà Nội có hơn 100 vận động viên, chiếm hơn 30% lực lượng vận động viên của Đoàn thể thao Việt Nam. Trong tổng số 4 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc, 18 Huy chương đồng của Việt Nam, Hà Nội góp sức giành 1 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc, 9 Huy chương đồng. Với lực lượng tinh nhuệ ấy cùng các lứa vận động viên hùng hậu ở gần 40 bộ môn và phân môn thể thao được rèn tập lâu nay, tôi tin thể thao Thủ đô đủ lực để duy trì vị trí thứ nhất toàn đoàn tại Đại hội.
- Thời gian không còn nhiều. Những phần việc còn lại sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?
- Còn hơn 2 tháng để chuẩn bị, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện kịch bản, tổ chức tập luyện, tổng duyệt lễ khai mạc, bế mạc. Bên cạnh đó là hoàn thành nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm, thuê, mượn trang thiết bị phục vụ Đại hội; triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn, giao thông, công tác hậu cần... Còn không ít việc nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Tổ chức Đại hội cấp trung ương và lãnh đạo thành phố, Hà Nội sẽ nỗ lực để tổ chức Đại hội thành công.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.