Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững niềm tin vào tương lai đất nước

Võ Lâm| 18/01/2015 05:43

(HNM) - Niềm hạnh phúc của đất nước, của dân tộc ta là Đảng luôn luôn tìm tòi, đổi mới để kịp thời thích ứng với mỗi giai đoạn cách mạng.

1. Lịch sử 85 năm lãnh đạo đất nước chứng minh mỗi thời kỳ Đảng ta đều có chủ trương, đường lối và phương pháp cách mạng phù hợp.

Năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Chánh cương vắn tắt của Đảng, được Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930 thông qua. Dù vắn tắt, nhưng Chính cương đã chỉ rõ những vấn đề cơ bản về chiến lược của cách mạng nước ta là làm cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội... Chính cương chỉ rõ: Đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Chính cương vắn tắt đã phản ánh đúng tâm nguyện của nhân dân.

Tháng 10-1930, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, được Hội nghị Ban Chấp hành TƯ thảo luận, thông qua. Trong Luận cương, Đảng ta nhận định, Đông Dương chỉ có con đường làm cách mạng giải phóng dân tộc; cách mạng Đông Dương là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền có tính chất phản đế và điền địa. Mục tiêu của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, lập ra chính phủ công nông… Phương pháp đấu tranh của quần chúng là bãi công, bãi công thị oai, bãi công võ trang, tổng bãi công bạo động; kết hợp đòi quyền lợi hằng ngày như tăng tiền lương, bớt giờ làm, giảm thuế, chống thuế... Vấn đề võ trang bạo động phải được tính toán, cân nhắc kỹ, không được manh động hoặc võ trang bạo động non. Trong cuộc đấu tranh sinh tử này, cần có mối liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới. Đây cũng chính là cách mà Đảng lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tháng 2-1951, Đảng ta khi đó dưới tên gọi Đảng Lao động Việt Nam đã ban hành Chính cương do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Đại hội II của Đảng thảo luận, thông qua. Trên cơ sở nhận định tình hình thế giới, Chính cương phân tích: Nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất thật sự cho đất nước, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Động lực của cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc, những thân sĩ yêu nước và tiến bộ; trong đó nền tảng là công nhân, nông dân, trí thức; lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân.

Những văn bản lịch sử kể trên thể hiện rõ sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng qua mỗi thời kỳ. Mỗi văn bản về sau lại có sự tiếp thu, phát triển, sáng tạo thêm những nội dung mới. Điều thống nhất của cả ba văn bản là dù ở thời kỳ nào vai trò lãnh đạo của Đảng cũng được đặt lên hàng đầu, cách mạng lấy đoàn kết đông đảo lực lượng quần chúng làm điểm tựa, trong đó công nhân là nòng cốt, là lực lượng lãnh đạo. Soi lại từng bản chính cương so với lịch sử của từng thời kỳ mới thấy hết giá trị của mỗi văn bản. Có thể nói, đây là những cẩm nang cách mạng của Đảng đã làm nên lịch sử đất nước với những mốc son sáng chói: thắng lợi Cách mạng Tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; chiến thắng Điện Biên Phủ 1954; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975…

2. Đầu những năm 1990, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Không khí hoang mang, tình trạng mất phương hướng bao trùm các đảng cộng sản trên thế giới. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các nước này cũng lâm vào tình trạng "rơi tự do". Nhưng trong hoàn cảnh phong ba, bão táp ấy, Đảng ta vẫn vững vàng tay chèo lái. Tháng 6-1991, tại Đại hội VII, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Sự ra đời của Cương lĩnh giống như một nguồn năng lượng lớn tiếp thêm cho cỗ máy đổi mới đã khởi động từ Đại hội VI (năm 1986) nhưng vẫn còn thiếu ổn định. Cương lĩnh đã chỉ ra những phương hướng và giải pháp đổi mới toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh nêu rõ giải pháp: Chúng ta phải tiếp tục nâng cao ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng vật chất và trí tuệ của dân tộc đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tìm tòi bước đi, hình thức và biện pháp thích hợp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Điều quan trọng nhất là phải cải biến căn bản tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển, chiến thắng những lực lượng cản trở việc thực hiện mục tiêu đó, trước hết là các thế lực thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước hoàn thành công cuộc đổi mới với những thành tựu được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Thực tế lịch sử đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng vững tin hơn vào năng lực lãnh đạo và bản lĩnh chính trị của Đảng.

Năm 2011, Đảng ta tiến hành bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991. Với những nội dung về 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ lớn, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra bản chất, mục tiêu, động lực và các giải pháp lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã khẳng định, Cương lĩnh 2011 đã hợp thành một chỉnh thể hữu cơ của lý luận đổi mới, lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh 2011 và các văn kiện được thông qua tại Đại hội XI thực sự là một thành tựu khoa học thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của Đảng ta về tư duy lý luận và hành động thực tiễn.

Bốn năm thực hiện Cương lĩnh 2011, mặc dù tình hình thế giới vô cùng phức tạp, bối cảnh trong nước cũng hết sức khó khăn, nhưng đất nước vẫn tiếp tục phát triển tiến bộ về mọi mặt. Những điểm bổ sung, phát triển trong Cương lĩnh 2011 đang từng bước được hiện thực hóa, trở thành nguồn lực mới để phát triển đất nước. Kết quả thực hiện những năm qua càng củng cố thêm giá trị của Cương lĩnh 2011 và là cơ sở thực tiễn để khẳng định rằng, tương lai đất nước với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh sẽ ngày càng tốt đẹp hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững niềm tin vào tương lai đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.