(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ ngày 1-3, toàn bộ giấy mời các cuộc họp của thành phố sẽ gửi qua mạng; từ ngày 1-4, toàn bộ văn bản của thành phố cũng sẽ được chuyển bằng hình thức điện tử thay cho việc in, gửi theo cách lâu nay.
Hình thức chuyển giấy mời, văn bản nêu trên tiếp tục thể hiện bước đi vững chắc nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Qua đây, lực lượng thực thi công vụ tiếp tục làm quen và bước thêm một bước cụ thể trong việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành công việc.
Ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một trọng tâm của cải cách hành chính. Xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển về chất của nền hành chính công, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ đòi hỏi sự bền bỉ và cần những bước đi vững chắc. Trong đó, cần tính tới các yếu tố khách quan, chủ quan tác động tới hiệu quả hoạt động này như công nghệ, chất lượng dịch vụ, năng lực cán bộ, nền tảng công nghệ thông tin trong xã hội cũng như sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp…
Thực tế, việc triển khai cũng như đón nhận các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở thành phố thời gian qua chuyển động theo hướng tích cực. Người dân quen hơn với việc nộp hồ sơ qua mạng, cán bộ cũng chuyển từ bỡ ngỡ sang chủ động, tích cực hơn. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế cơ bản như mạng quá tải, có nơi mạng “đi nhanh” nhưng công chức lại “đi chậm”…, thì đòi hỏi phải tác động từng bước tới toàn bộ các yếu tố kể trên.
Trong đó, trước tiên không thể bỏ qua việc bảo đảm chất lượng dịch vụ về đường truyền, tiện ích phần mềm sao cho thực sự tối ưu, tránh “vô cảm” với những đòi hỏi từ thực tế. Cán bộ các cấp, nhất là từ cơ sở cần được đào tạo và có ý thức tự đào tạo để chuẩn hóa trình độ công nghệ thông tin, sát nhiệm vụ.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo rất rõ của thành phố thì trước các đợt cung cấp dịch vụ công phải có thí điểm, kết hợp với tuyên truyền mạnh nhất là từ cơ sở để người dân nắm, hưởng ứng, thúc đẩy việc hoàn thiện dịch vụ. Nhất là khi sắp tới, đợt 2 vận hành từ ngày 1-3 sẽ cung cấp 10 dịch vụ công cấp quận, huyện, thị xã thuộc một số lĩnh vực “nóng” như giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, xây dựng…
Với tầm nhìn xa, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng cần được kết nối với các chương trình ứng dụng công nghệ khác trong xây dựng thành phố thông minh, tiết kiệm nguồn lực và giải quyết tốt hơn các vấn đề dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Như là ứng dụng dữ liệu dân cư vào đăng ký thông tin thuê bao, giao dịch ngân hàng, công chứng; hình thành Trung tâm dữ liệu tích hợp để điều hành giao thông; khắc phục sự cố…
Kết hợp những yếu tố trên chính là cách để có bước đi vững chắc và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, thực hiện chính phủ điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.