(HNM) - Nói về công tác cán bộ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết:
Những bất cập trong công tác cán bộ
Không ít bất cập trong công tác cán bộ nổi lên thời gian qua, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tại Yên Bái, trên cơ sở Kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối tháng 10-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã có quyết định kỷ luật về Đảng hình thức “Cảnh cáo”, cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đối với ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ kết luận, ông Phạm Sỹ Quý kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33/CT-TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, những bất cập trong công tác cán bộ được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ rõ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), tình trạng cấp trên “ôm đồm”, cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở trung ương; cơ chế “xin - cho” bị lạm dụng; phân công trách nhiệm không rõ ràng... đã khiến công việc của dân, của nước bị ách tắc. Một bộ phận công chức chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân. Nguyên nhân công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên.
Phản ánh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bổ nhiệm người quen phổ biến ở nhiều địa phương, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho biết, tình trạng “cả họ làm quan” nếu để lâu sẽ phát sinh “tổ Đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”, gây mất dân chủ, mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ. Tình trạng này còn dẫn đến hệ lụy thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt câu hỏi: Liệu có hay không tệ tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu không, sao làm đúng quy trình mà người có tài, có đức không được bổ nhiệm, người kém lại được trao quyền?
Những băn khoăn, trăn trở mà các đại biểu Quốc hội nêu đang là những vấn đề nóng. Bởi, công tác cán bộ luôn là một trong những vấn đề then chốt mà Đảng ta đặc biệt coi trọng.
“Công việc gốc”
Đúc kết về tầm quan trọng của công tác cán bộ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng", "Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Người cũng cho rằng: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Bởi nói đến cán bộ là nói đến cả đức và tài, không thể coi nhẹ mặt nào”.
Liên quan đến tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải cất nhắc cán bộ cho đúng và phải dùng cán bộ cho khéo. Khi cất nhắc cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”, “Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác cán bộ được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chính vì vậy, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 98-QĐ/TƯ về luân chuyển cán bộ. Quy định một lần nữa khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn “tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...”.
Tại quy định này, Bộ Chính trị khẳng định, việc luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp và cán bộ cấp chiến lược, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Quy định của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: Không điều động về trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt...
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh những cán bộ có sai phạm, Đảng ta rất chú trọng tạo điều kiện cho những cán bộ có năng lực phát triển, qua đó vun trồng “gốc rễ” của Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.