(HNMCT) - Kết thúc mùa thứ hai, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn (gọi tắt là giải Dế Mèn) cho thấy hướng đi đúng đắn để tìm kiếm, vun đắp và tôn vinh những tác giả có tác phẩm hay, nổi trội, từ đó kiến tạo một “hệ sinh thái" văn hóa nghệ thuật tốt đẹp cho thiếu nhi. Song xem ra, tìm kiếm “Hiệp sĩ Dế Mèn” là điều không dễ...
Xuất hiện từ năm 2020, giải Dế Mèn được ví như “cơn mưa rào” đúng lúc trước thực trạng sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi thời gian qua có nhiều khoảng trống, đặc biệt là xu hướng “ngoại át nội”. Ở mùa đầu tiên, giải Dế Mèn đã phát hiện và tôn vinh được các tác giả để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn (cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) và 4 giải Khát vọng Dế Mèn.
Bước sang mùa thứ hai, giải thưởng này đối diện với áp lực không nhỏ, đó là dịch Covid-19 khiến các nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải “đóng băng”. Tuy nhiên, theo nhà thơ Đỗ Doãn Phương - Phó Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban Sơ khảo giải Dế Mèn lần 2-2021, mùa giải năm nay vẫn “về đích đúng kế hoạch” với gần 120 tác phẩm dự thi, tăng gần 20 tác phẩm so với mùa giải đầu tiên.
Dịch bệnh có thể khiến các sân khấu cho thiếu nhi phải hoãn, hủy nhiều kịch mục hấp dẫn, song một số loại hình khác lại ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn là “cơ hội để sáng tác”. Đó chính là lĩnh vực văn học. Covid-19 đã “giúp” nhiều nhà văn, tác giả viết sách có thời gian lắng lại, tập trung sáng tác. Đây chính là lý do để mùa giải năm nay, mảng văn học có phần “được mùa”.
Các tác phẩm dự giải đa dạng ở nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện vừa, thơ, tản văn, truyện tranh... Một số tác giả gửi tới 2, thậm chí 3 tác phẩm tham dự. Đáng kể, có những tác giả mới học lớp 3 ở một trường tiểu học ở Hà Nội đã tự đánh máy tiểu thuyết đầu tay hơn 100 trang gửi tham gia (ở thể loại fantasy). “Chất lượng bản thảo tương đối đồng đều, nhiều bản thảo chỉ cần biên tập một chút là có thể xuất bản. Nhưng chính sự đồng đều ấy lại gây khó cho ban giám khảo khi muốn chọn tác phẩm xuất sắc để tôn vinh” - một thành viên Ban Sơ khảo tiết lộ.
Đặc thù của giải Dế Mèn là ngoài những tác giả trực tiếp gửi tác phẩm (chấp nhận cả tác phẩm ở dạng bản thảo) tới tham dự, các thành viên ban giám khảo còn có thể tìm kiếm các tác phẩm được sáng tác trong năm xét giải đã được ra mắt; hoặc các hãng phim, đơn vị nghệ thuật, các đơn vị xuất bản cũng có thể đề cử tác phẩm xứng đáng. Vì lẽ đó, ở mùa giải này, có thể nhận thấy tín hiệu tích cực từ lĩnh vực phim hoạt hình “made in Vietnam”. Cùng với những bộ phim do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam giới thiệu, còn có 3 tập phim mới của loạt phim “Xin chào Bút Chì” đã thu hút một lượng khán giả nhí quan tâm.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những đầu sách cho/ về thiếu nhi được xuất bản trong thời gian qua. Có thể kể tới “Đi trốn” (tiểu thuyết của Bình Ca), “Tết là nhất, nhất là Tết” (truyện tranh của Mèo Mốc), “Bên suối, bịt tai, nghe gió" (truyện dài của Văn Thành Lê), “Cá voi Eren đến Hòn Mun” (truyện dài của Lê Đức Dương), “Chiếc gối biết nói” (tập truyện thiếu nhi của Phan Thị Ngọc Liên), bộ sách 4 cuốn “Khác biệt mới tuyệt làm sao” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Vũ viết và Linh Vương, Hoàng Trung, Ru-oi, Gà s little world vẽ... Một số đơn vị xuất bản còn đề cử cả những tác phẩm sắp phát hành.
Lĩnh vực hội họa có vẻ “lép” hơn, nhưng cũng có một số tác giả, tác phẩm gây chú ý như họa sĩ Xèo Chu - sinh năm 2007, bắt đầu vẽ tranh từ năm 4 tuổi, đến nay đã vẽ hơn 300 bức tranh, có bức bán với giá 150.000USD tại Mỹ. Còn âm nhạc cho thiếu nhi có sự lấp lánh với các ca khúc của nhạc sĩ Phan Chí Thanh, thậm chí cả vở ca cảnh của hai tác giả Khánh Vinh - Trần Quốc Toàn.
Có thể nói, ở khía cạnh “khuấy động” đời sống văn học nghệ thuật cho thiếu nhi, về thiếu nhi và “người Việt viết/ vẽ/ làm kịch, phim cho người Việt” thì giải Dế Mèn bước đầu đã có được dấu ấn nhất định. Đơn cử như ở mùa giải đầu tiên, bên cạnh tôn vinh tác phẩm và sự nghiệp viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giải đã phát hiện những gương mặt trẻ, trong đó có bé Cao Khải An mới 12 tuổi ở Cà Mau, hay thầy giáo trẻ dạy tiểu học Nguyễn Chí Ngoan ở Kiên Giang... Trong mùa giải thứ hai, với sự thu hút số lượng người tham gia đông đảo, trong đó có nhiều nhà văn, tác giả tên tuổi, giải Dế Mèn tiếp tục hành trình kiến tạo một “hệ sinh thái” trong lành, chất lượng cho thiếu nhi Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2021 có lý khi cho rằng, cùng với việc tôn vinh những nhà văn tên tuổi có sự nghiệp viết cho thiếu nhi, có tác phẩm trong năm đạt mức khá trở lên, Hội đồng luôn tìm kiếm, chờ đợi để “phong” Hiệp sĩ Dế Mèn cho các tác giả trẻ, các tài năng nhí, “mới toanh”.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2021, để tìm kiếm được một tác giả có tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất sắc, vượt trội, có giọng điệu riêng biệt, cuốn hút và tạo sự ngân vang là điều cực kỳ khó. Chưa kể, chính danh hiệu “Hiệp sĩ Dế Mèn” cũng có thể gây ra một áp lực vô hình nào đó khi Ban Giám khảo, Ban Tổ chức giải Dế Mèn quyết định “phong” cho ai.
Kết quả Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 năm 2021
* Không có giải cao nhất - Hiệp sĩ Dế Mèn.
* Có 5 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho: Tiểu thuyết “Đi trốn” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Bình Ca; Phim hoạt hình "Khúc gỗ mục" của đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Phương Hoa và ê kíp (Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam); Chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của họa sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007); Truyện tranh "Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!" (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng); Bộ truyện "Khác biệt mới tuyệt làm sao" (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và nhóm họa sĩ Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.