(HNM) - Từ chiều mùng Hai Tết, công nhân các đơn vị thủy lợi đã tiếp tục vận hành máy, tranh thủ bơm, tích nước cho vụ xuân. Nhiều nơi, nông dân không ngại mưa lạnh, ra đồng ủ ấm cho mạ gieo sớm, tranh thủ lấy nước làm đất. Không khí Tết đang được bà con nông dân chuyển dần từ trong nhà ra ngoài đồng. Hy vọng một năm mới mùa màng bội thu nên ngay những ngày đầu xuân, người nông dân đã lo chuyện ruộng đồng.
Sáng mùng Ba Tết, khí xuân vẫn căng tràn ở mọi nơi, mọi ngõ ngách ở xã miền núi Minh Quang, huyện Ba Vì, nhưng bà Bùi Thị Minh đã lỉnh kỉnh đồ nghề ra thăm ruộng mạ gieo từ trong Tết.
Nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi cấy lúa xuân. Ảnh: Huy Hùng |
Bà lo lắng: "Rét đậm, rét hại thế này liệu mạ có sống nổi không". Ruộng mạ nhà bà Minh rộng chừng 50m2, đã được che phủ nilon cẩn thận trước Tết. Hoan hỷ ra mặt khi diện tích mạ vẫn an toàn, bà Minh cầu mong những ngày tới thời tiết thuận lợi, trời ấm dần để có thể huy động lao động trong gia đình làm đất chuẩn bị gieo cấy. Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha cho biết, Tết đến xuân về, nông dân các dân tộc trong xã tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như đánh đu, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, biểu diễn cồng chiêng…; chuẩn bị tổ chức lễ hội lớn ở Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng… nhưng vẫn không quên công việc đồng ruộng để mong mùa vụ bội thu. "Đến hết mùng Ba Tết, gần 450ha đất nông nghiệp của xã đã có nước; nông dân đã gieo 90% diện tích mạ để cấy vụ xuân. Chủ động từ những ngày trước Tết, người dân đã tiến hành cày ải, làm đất. Trong những ngày tới, vừa tổ chức vui chơi, lễ hội, nông dân xã Minh Quang vừa xuống đồng cấy cho kịp thời vụ" - ông Tha cho biết. Minh Quang là xã miền núi của huyện Ba Vì, thời tiết khắc nghiệt nên người dân có nhiều kinh nghiệm phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Trước, trong và sau Tết, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động và giúp dân che chắn cho mạ; ủ ấm cho trâu bò, lợn gà để bảo đảm ăn Tết vui tươi và không thiệt hại về sản xuất.
Những xã Khánh Thượng, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh… với phương thức sản xuất truyền thống, phụ thuộc vào thời tiết, đồng bào phải gieo mạ, làm đất sớm hơn khu vực đồng bằng một tuần đến nửa tháng, nên đến thời điểm này cơ bản mạ đã gieo, đất đã được làm ải. Gặp lão nông Trần Văn Tân ở xã Khánh Thượng trên cánh đồng đã nổi trắng nước, ông tươi cười: "Trong nhà đang nhiều bánh, nhiều thịt, không khí Tết vẫn tràn ngập, nhưng nông dân là vậy, phải lo ra đồng cho kịp mùa vụ mới no ấm được". Một lý do khác khiến nông dân phải ra đồng sớm là vì trước Tết, trời rét đậm, rét hại, nhiều người lo lắng cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nên đứng ngồi không yên.
Ở các huyện khu vực phía nam Hà Nội như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín… nhiều năm trước rất vất vả do ở cuối nguồn nước. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ có thêm một số trạm bơm lấy nước từ sông Đáy và sự chủ động của các đơn vị thủy lợi đón nước hồ thủy điện, người dân có ý thức lấy nước, trữ nước, tiết kiệm nước nên khó khăn đã được khắc phục. Từ những ngày trước Tết, công nhân thủy nông cùng nông dân và chính quyền địa phương đã tập trung nhân lực, vật lực lấy nước vào đồng ruộng, đồng thời trữ nước tối đa vào kênh mương, hồ ao… Các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã có nước đổ ải, bà con bắt đầu làm đất.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, việc cấp nước cho làm mạ, các khu vực cấy sớm, tích nước, phục vụ cây trồng vụ đông đã được thực hiện từ ngày 25-12-2011 và đến ngày 28-1-2012 sẽ đổ ải đại trà. Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi yêu cầu người dân gieo mạ đúng lịch để bảo đảm cấy xuân đúng thời vụ; thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc điều hành và phân phối nước; tiếp tục tranh thủ bơm cấp, trữ nước; thực hiện tốt phương châm đưa nước đến đâu, làm đất và gieo cấy đến đó, giảm thiểu thời gian lấy nước đổ ải, không để lãng phí nước và điện; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời giải quyết khó khăn ở các vị trí trọng điểm. Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, đến thời điểm này đã kết thúc đợt xả nước thứ nhất (từ ngày 18 đến 22-1-2012), mực nước tại Hà Nội trở lại ngưỡng thấp (mùng Ba Tết tại Liên Mạc là 1,51m), nhiều trạm bơm phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, trước đó, do các công ty thủy lợi chủ động bơm, tiếp nước nên đã trữ được khối lượng lớn vào ao hồ, đầm, kênh mương, vùng trũng. "Kết thúc đợt xả đầu tiên cho thấy, tình hình cấp nước vụ xuân năm nay tại Hà Nội sẽ cơ bản thuận lợi" - ông Đông cho biết.
Lúc này vẫn đang là những ngày Tết, song song với việc tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương cần quán triệt các ban, ngành, đoàn thể và người dân quan tâm đến sản xuất, đặc biệt là tranh thủ thời gian có nước khẩn trương gieo mạ, làm đất để tránh lãng phí và bảo đảm thời vụ. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị thủy nông ứng trực 24/24h để bơm tích nước; chủ động phương án bơm tiếp xả nước hồ thủy điện đợt 2 từ ngày 1-2 đến 9-2-2012, phấn đấu cung cấp đủ nước cho gieo cấy 99.400ha lúa xuân đúng thời vụ.
Vụ xuân 2012, Hà Nội gieo trồng 126.965ha, trong đó có 99.400ha lúa, 27.565ha cây màu các loại (gồm ngô, đỗ tương, lạc, rau màu, hoa…). Theo lịch thời vụ, trà lúa xuân sớm cấy từ 25-1-2012 đến 10-2-2012; trà xuân chính vụ cấy từ 10-2-2012 và kết thúc trước 25-2. Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến chiều mùng Ba Tết, đã có khoảng 35.000ha có nước, chiếm tỷ lệ 35%, trong đó có khoảng gần 20.000ha đã làm đất; các địa phương có truyền thống cấy trà xuân sớm đã cơ bản hoàn thành gieo mạ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.