Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa làm vừa điều chỉnh phương án

Kim Vũ| 20/07/2017 06:58

(HNM) - Theo khảo sát, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đều tạo điều kiện cho các hộ bán hàng rong có chỗ mưu sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, người bán hàng rong vẫn lén lút... bán rong.

Để việc bố trí, sắp xếp chỗ cho người bán hàng rong hiệu quả, các đơn vị chức năng cần có các phương án phù hợp nhu cầu thực tế. Ảnh: Khánh Huy


Hàng rong vẫn lén lút... bán rong

Hiện tượng này diễn ra ở hầu khắp các ngõ, phố, đường ở Hà Nội. Tại khu vực đường Cầu Diễn nối liền đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm), vào giờ tan tầm vẫn xuất hiện hàng rong bán hoa quả, cây cảnh... đứng tràn ra đường. Khi lực lượng chức năng đến dẹp thì họ "chạy" vào trong các ngõ và chờ khi lực lượng chức năng đi khỏi thì lại tiếp tục. Chị Nguyễn Thị Lan, 35 tuổi, người bán hoa quả cho biết: Nếu không bán hàng rong thì chúng tôi biết làm gì để nuôi con. Nếu vào trong các chợ thì chúng tôi phải mất tiền thuê cửa hàng và bán hàng sẽ khó khăn hơn.

Cùng chung suy nghĩ như chị Lan, bà Lê Thị Hương, người bán hàng rong trên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) chấp nhận cảnh rong ruổi trên các tuyến phố, ngõ nhỏ để bán hàng. Khi có khách đi đường gọi mua, bà lại ngồi tạm tại vỉa hè. Đếm sơ sơ trên các tuyến phố Hàng Bông, Tạ Hiện, Hàng Ngang, Hàng Đào... thường xuyên có hàng chục gánh hàng rong hoạt động...

Thói quen mua hàng của khách cũng khó thay đổi. Do ngại vào chợ, nhiều người tạt vội bên lề đường, cổng chợ để mua đồ. Đặc biệt vào giờ tan tầm, người đi xe máy, đi bộ dừng đỗ lộn xộn khiến đường phố đã chật lại càng chật chội hơn. Chị Ngô Thanh Sinh (quận Ba Đình) cho biết: Nhiều khi đi làm về muộn, tôi dừng xe ngay cổng chợ, mua tạm mớ rau, ít hoa quả của các hàng rong; chứ vào chợ gửi xe thì mất thời gian, lại mất tiền gửi.

Tìm kiếm các phương án khả thi


Hiện nay, Hà Nội có hơn 430 chợ chính, trong đó riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống. Bình quân một quận nội thành có 10 chợ truyền thống. Còn lại, các chợ cóc, chợ tạm thì xuất hiện tràn lan, tự phát từ các gánh hàng rong, xe đẩy di động. Nhằm thực hiện Năm văn minh đô thị, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, sắp xếp, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Cụ thể, Sở Công Thương rà soát quỹ đất hiện có để đề xuất xây dựng chợ mới tại các địa điểm phù hợp. Sau khi hoàn thành sẽ di dời các hộ kinh doanh tại chợ tạm, tụ điểm chợ cóc vào hoạt động đúng quy định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để không tái diễn việc hàng rong tràn ra phố, cần thay đổi cách quản lý chợ. Ông Dương Việt Hùng - Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Tây Hồ cho biết, năm 2018, UBND quận sẽ sắp xếp người bán hàng rong vào bán hàng tại chợ Xuân La. 400 gian hàng tại đây sẽ phục vụ các tiểu thương cùng một số chính sách ưu đãi, bố trí chỗ ngồi phù hợp, thu hút người bán hàng rong.

Trong đó, có phương án bố trí điểm đỗ xe rộng rãi, thuận lợi cho khách hàng vào chợ, có người trông giữ xe miễn phí. Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân khiến người dân thích mua hàng rong là vì vào trong chợ phải gửi xe chật chội, lại mất phí trông xe. Việc điều chỉnh phí trông xe ở chợ là một phương án phù hợp, thu hút được người bán hàng rong, cần được nhân rộng trong thành phố.

Nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, với các hàng rong di động, UBND quận yêu cầu phải di dời. Với một số hộ nghèo kinh doanh nhỏ lẻ, quận cho phép được tồn tại trên diện tích không quá 2m2 ở vỉa hè. Theo thống kê, quận Hoàn Kiếm có trên 190 hộ nghèo, trong đó 33 hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu kinh doanh ở vỉa hè. Những hộ này được quận tạo điều kiện cho bán hàng, kinh doanh trong không gian đi bộ khu phố cổ. Trong thời gian tới, quận cũng bố trí, sắp xếp các ô bán hàng cho người bán hàng rong tại chợ Hàng Da và chợ Vọng Hà nhằm tạo điều kiện cho người dân kiếm kế sinh nhai.

Tại một số quận khác trên địa bàn Hà Nội, việc quy tụ hàng rong về các chợ cũng được thực hiện nghiêm túc, nhưng vẫn gặp những khó khăn, vừa làm vừa khắc phục. Điển hình là UBND quận Thanh Xuân đã dành hơn 100m2 ở chợ Thanh Xuân Bắc để đón những hộ kinh doanh, bán hàng rong có nhu cầu kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, thực tế người bán hàng rong vẫn chưa có thói quen ngồi cố định một chỗ, họ vẫn tái lấn chiếm vỉa hè, vẫn "né" vào chợ bán hàng.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, hiện tại địa bàn quận không có quỹ đất để xây chợ theo kế hoạch. Các chợ dân sinh cũng không còn chỗ trống để bố trí cho hàng rong vào chợ bán hàng. Vì vậy, lực lượng chức năng của quận chỉ còn mỗi một cách để dẹp hàng rong bằng cách "thủ công" nhất là... nhắc nhở, yêu cầu di chuyển khỏi khu vực...

Tâm lý chung của hàng rong là sợ bán hàng trong chợ sẽ ế ẩm và khó cạnh tranh với các quầy hàng lâu năm. Vì vậy, để việc bố trí, sắp xếp có hiệu quả, các đơn vị chức năng cần có các phương án khả thi hơn, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người bán và người mua hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa làm vừa điều chỉnh phương án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.