Bạn đọc

Hàng rong, họp chợ trái quy định trên địa bàn quận Thanh Xuân: Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?

Nguyên Hà 03/04/2024 - 06:28

Bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện ích..., trên địa bàn quận Thanh Xuân vẫn tồn tại các loại chợ tạm, chợ cóc. Hằng ngày, người buôn bán đổ về chiếm dụng lòng, lề đường để buôn bán trái quy định.

Tình trạng này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

hang-rong.jpg
Chiếm dụng lòng đường để kinh doanh tại phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân).

Vi phạm tràn lan

Ngày 22-3-2024, khảo sát thực tế trên địa bàn phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, từ sáng sớm, người buôn bán từ khắp nơi đã đổ về các tuyến phố quanh hồ Phương Liệt 2 để họp chợ. Cùng với các hộ dân sống trên ngõ 192 phố Phan Đình Giót và tổ dân phố số 10, họ ngang nhiên kê ô dù, để xe thồ, bày bán hàng hóa chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ. Nhiều trường hợp còn đặt bếp lò, chế biến thực phẩm, xả nước giết mổ gia cầm ngay trên diện tích chiếm dụng. Việc buôn bán kéo dài đến tận chiều tối, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Sau khi chợ tan, túi ni lông, rác thải, vỏ hoa quả chất thành đống cao, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường khu vực. Tình trạng này diễn ra thường xuyên nhưng không thấy chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tương tự, tại phố Kim Giang (đoạn qua phường Hạ Đình) và các tuyến đường Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn (đoạn qua phường Khương Mai)..., việc họp chợ vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường diễn ra đã nhiều năm nay. Để đối phó với lực lượng chức năng, người buôn bán ở đây đã chế ra các loại xe đẩy, xe kéo có thùng phía sau. Mỗi khi lực lượng chức năng tuần tra, họ nổ máy, lái xe đi, còn không thì tiện đâu dừng đấy, bày biện hàng hóa ngay trên thùng xe như một ki ốt lưu động, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc hàng rong, xe thồ tụ tập, buôn bán gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường còn diễn ra quanh các chợ dân sinh họp trong khuôn viên các khu chung cư, khu tập thể. Đơn cử, như tình trạng chợ họp tại lối đi, sân chơi Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (phường Thanh Xuân Bắc) và Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (phường Nhân Chính)... Người dân sở tại cho biết, khu vực này vốn có những chợ dân sinh hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thời gian đầu, chợ họp chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân sống trong khu tập thể. Sau này, chợ càng phình to, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của cả người dân sống trên địa bàn lân cận.

Cần mạnh tay xử lý

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Phương Liệt Nguyễn Thắng Toàn cho biết, do địa bàn rộng, lực lượng tuần tra mỏng, hằng ngày phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể duy trì kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người buôn bán. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng nhà chung cư ở địa phương phát triển mạnh, nhưng ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, cũng vì mục đích mưu sinh, kiếm lời nên vẫn cố tình vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng của phường đã phối hợp với Công an quận Thanh Xuân xử phạt hành chính 349 trường hợp vi phạm, với hơn 220 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng còn tạm giữ 129 bàn ghế, 96 biển quảng cáo, 21 ô dù... Song, tình hình vi phạm chưa được giảm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc Nguyễn Văn Long, nguyên nhân của tình trạng chiếm dụng sân chơi, lòng, lề đường, bên cạnh ý thức chưa tốt của người kinh doanh, còn do thói quen tiện đâu mua đấy của người dân đã góp phần không nhỏ trong việc dung túng hành vi trái quy định này. Ngoài việc kẻ vạch xác định vị trí kinh doanh, từ ngày 1-1-2024 đến nay, Ban Chỉ đạo 197 phường đã kiểm tra, xử lý 173 trường hợp vi phạm với số tiền lên đến 103 triệu đồng (trong đó có 99 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, 74 trường hợp vi phạm trật tự giao thông).

Cùng vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Hoàng Tùng khẳng định, để xử lý tình trạng xe thồ, hàng rong tụ tập, buôn bán trái quy định, định kỳ hằng tháng, UBND phường vẫn cử cán bộ kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông và lấy mẫu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, công an cùng lực lượng dân phòng, tổ dân phố thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh phải bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại khu vực chợ, nếu phát hiện vi phạm đều kiên quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh việc tuyên truyền để người buôn bán nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt 9,7 triệu đồng đối với 48 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán. Thế nhưng, vì mục đích mưu sinh, mỗi khi tổ kiểm tra đi khỏi, họ lại tái diễn vi phạm.

Thực tế cho thấy, tình trạng người dân buôn bán họp chợ trái quy định là do mô hình chợ dân sinh hình thành đã lâu, nhu cầu mua bán của người dân ngày một tăng cao, đã trở thành tập quán xấu. Trước mắt, để ngăn chặn việc phát sinh những vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trong khu vực, các cấp chính quyền cần quản lý và giám sát chặt chẽ, triệt để hơn đối với hoạt động buôn bán, kinh doanh tùy tiện này. Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm, cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần phối hợp nghiên cứu thêm giải pháp hữu hiệu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng rong, họp chợ trái quy định trên địa bàn quận Thanh Xuân: Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.