(HNMO) - Là một trong 6 công trình giao thông trọng điểm cấp bách trên địa bàn Thủ đô được phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, nỗ lực khắc phục vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quyết tâm hoàn thành vào năm 2023. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 18-8.
Hiện các nhà thầu đã tổ chức thi công 5/5 gói thầu xây lắp chính của dự án. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, ảnh hưởng của dịch bệnh song các nhà thầu đã nỗ lực bám sát công trường, “vượt nắng, thắng mưa”, bảo đảm tiến độ từng gói thầu cũng như tiến độ chung của toàn dự án.
Trên công trường có 11 đơn vị nhà thầu chia làm 11 mũi thi công. Tổng số cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công trên toàn bộ mặt bằng công trường là 552 người. Ông Ngô Lâm, cán bộ thuộc Phòng Giám sát 2 (Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn công trường được thực hiện nghiêm ngặt theo các nguyên tắc “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” và bảo đảm giãn cách trong quá trình thi công.
Việc vận chuyển vật tư phục vụ công trường đã thuận lợi hơn sau khi các phương tiện vận tải được cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”.
Kỹ sư, công nhân tuân thủ nghiêm quy định đo thân nhiệt, khai báo y tế hằng ngày. Các lán trại của từng mũi thi công phục vụ người lao động “3 tại chỗ” được bố trí cách xa nhau và chia 3 ca nhằm tránh tập trung đông người. Tốp này đi làm thì tốp kia nghỉ…
Theo ông Hoàng Đình Luân, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tất cả người lao động trên công trường đều ý thức rõ, đây là công trình trọng điểm của thành phố nhưng nếu để xảy ra dù chỉ 1 ca F0 thì lập tức công trường sẽ phải "đóng cửa" nên tất cả đều tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Danh sách kỹ sư, công nhân đều được cung cấp tới chính quyền địa phương để quản lý, giám sát. Các đơn vị chức năng của hai quận Hai Bà Trưng, Long Biên cũng thường xuyên tới kiểm tra công trường nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Bếp ăn của từng mũi thi công cũng được các nhà thầu tổ chức riêng biệt, bữa ăn được chia theo ca để không ảnh hưởng lẫn nhau và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả nhân viên cấp dưỡng cũng được UBND phường Long Biên (quận Long Biên) cấp phiếu đi chợ theo ngày. Cứ 3-5 ngày, nhà thầu lại tổ chức test nhanh Covid-19 cho nhân viên cấp dưỡng và công nhân trên công trường. Nhờ đó, tính tới thời điểm này, công trường thi công cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 vẫn đang an toàn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.