Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp lần thứ hai mươi, HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc triển khai Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 15-5-2024 và Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố vẫn chưa đạt như mong muốn. Đại biểu đề nghị cần siết chặt công tác quản lý lĩnh vực này hơn nữa.
Coi trọng quản lý tài sản công
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 15-5-2024 quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội. Đồng thời, thành phố đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm triển khai kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm cập nhật kịp thời, đầy đủ các quy định mới do Trung ương ban hành, cũng như giải quyết các bất cập trong thực tiễn thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.
UBND thành phố đã kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các nội dung thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công thuộc thành phố về danh mục tài sản cố định đặc thù; danh mục, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình (trừ thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 3996/UBND-KTTH về việc tăng cường công tác quản lý tài sản công tại các tổ chức hội. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức hội để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; đồng thời rà soát việc sử dụng tài sản công tại các tổ chức hội vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết bảo đảm đúng quy định pháp luật; thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết vào ngân sách nhà nước trong trường hợp sử dụng không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó là khẩn trương chấm dứt tình trạng sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích...) để bảo đảm việc sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nhà, đất; thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ dữ liệu về nhà, đất của các hội là tài sản công vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Vũ Ngọc Anh cho biết, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý tài sản công là nhà, đất. Vào giữa năm 2022, UBND thành phố báo cáo với HĐND thành phố, quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố có tổng số nợ phải thu là 1.112,5 tỷ đồng, nhưng đến quý II-2024 mới thu được 227,9 tỷ đồng (tương ứng 20,5%, mặc dù theo kế hoạch nhiệm vụ này phải hoàn thành trong năm 2023).
Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tại kỳ họp thường lệ HĐND thành phố cuối năm 2024, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 19-7-2023 để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại, xử lý đối với 100% cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố quản lý, sử dụng và thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ.
Theo ghi nhận, lũy kế đến hết thời điểm tháng 11-2024, UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.760 cơ sở nhà, đất. Trong tổng số 10.760 cơ sở nhà, đất được phê duyệt nêu trên, sau khi rà soát, có 6.018 cơ sở nhà, đất còn thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP. Đối chiếu với tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố quản lý, sử dụng và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 6.764 cơ sở. Như vậy, tỷ lệ phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất của thành phố đạt cao là 89%. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất từng bước được quan tâm, phù hợp tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với các cơ sở nhà, đất còn lại chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, vướng mắc về hồ sơ tài liệu hoặc có tranh chấp, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát, kê khai báo cáo đề xuất. Bên cạnh đó, hằng năm đối với các cơ sở nhà, đất mới được giao hoặc hoàn thành đầu tư xây dựng, bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, gửi Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt theo đúng quy định.
Về công tác thu nợ, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tổng số nợ với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước là trên 1.112 tỷ đồng, quá trình thu nợ từ 2022-2024 là 227 tỷ đồng, số còn nợ là hơn 800 tỷ đồng.
Công ty đã chủ động xử lý theo quy định các trường hợp có phát sinh vi phạm tại các điểm nhà chuyên dùng theo chức năng, nhiệm vụ; đã báo cáo phương án xử lý thu hồi hơn 70 trường hợp. Trong đó, 4 địa điểm được thu hồi theo quyết định của UBND thành phố; 13 địa điểm giao chính quyền địa phương cấp quận, huyện thực hiện cưỡng chế thu hồi; 14 trường hợp công ty đang thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi nhà chuyên dùng theo quyết định, chỉ đạo của UBND thành phố, báo cáo Sở Xây dựng kết quả thực hiện để tiếp tục trình UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi và quyết định cưỡng chế thu hồi. Đến nay, công ty đã thu được 58,8 tỷ đồng/hơn 415 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, HĐND thành phố đã thông qua Đề án tài sản công với nội dung, lộ trình cụ thể. Các sở đã tham mưu thành phố đưa nội dung vướng mắc vào Luật Thủ đô để tháo gỡ; các sở cũng tham mưu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức giá để tập trung triển khai. Đối với các quỹ nhà tầng 1 nhà tái định cư và nhà thương mại, tinh thần chung sẽ bàn giao cho các tòa nhà vừa làm thư viện đọc sách, vừa làm nơi giải trí cho trẻ em. Nơi nào có điều kiện, diện tích lớn hơn mới thực hiện đấu giá. Về tiền thu nợ, từ cuối năm 2023 các đơn vị phân thành các nhóm, theo đó nhóm luân chuyển triển khai thu bình thường; nhóm khó thu đã có giải pháp. Nhóm nợ có khả năng thất thoát, thành phố đã giao Công an thành phố, Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Hà Nội, nếu có vi phạm sẽ giao cơ quan chức năng xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.