(HNM) - Các chuyên gia của Bộ KH&CN hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn phóng xạ tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Rất nhiều thiết bị chứa nguồn phóng xạ thuộc diện phải quản lý chặt chẽ. |
Gần 1.000 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ
Những ngày qua, dư luận không khỏi lo lắng trước việc một thiết bị chứa nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3 của Nhà máy thép Pomina 3 đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị thất lạc. Đáng báo động, đây là lần thứ hai sự việc tương tự được ghi nhận chỉ trong vòng vài tháng. Trước đó, tháng 9-2014, máy chụp ảnh xuyên thấu với mục đích kiểm tra không phá hủy (NTD) có chứa nguồn phóng xạ cũng đã bị đánh cắp tại TP Hồ Chí Minh. May mắn là chỉ sau 6 ngày, thiết bị này đã được tìm thấy vẫn trong tình trạng an toàn, kiểm tra khu vực dân cư xung quanh không thấy có chất phóng xạ.
Còn nguồn phóng xạ Co-60 bị phát hiện thất lạc từ tháng 11-2014 nhưng phải đến ngày 25-3-2015, thông tin mới được công khai. Ngày 9-4, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết vẫn chưa có tiến triển khả quan trong việc tìm kiếm. Nguồn Co-60 thuộc nhóm 4, mức độ nguy hiểm nhỏ hơn thiết bị lần trước hàng nghìn lần, lại là nguồn hợp kim nên không bị hòa tan vào nước. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo về sự nguy hiểm, theo đó nếu bị phá khỏi lớp vỏ bảo vệ, ở khoảng cách 10cm, nguồn phóng xạ có thể gây ra liều suất chiếu xạ 2,5mSv/h trong khi mức liều cho phép đối với người bình thường trong một năm chỉ 1mSv.
Cũng theo thông tin từ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng nên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ được sử dụng ngày càng nhiều trong một số ứng dụng như: Thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm soát hàng hóa xuất - nhập khẩu; thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất xi măng… Thống kê của hệ thống phần mềm quản lý khai báo, cấp phép cơ sở bức xạ, thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Việt Nam (RAISVN) cho biết: Hiện cả nước có khoảng gần 1.000 cơ sở đang sử dụng thiết bị bức xạ, với khoảng gần 6.000 nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Nhóm các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn… được các chuyên gia đánh giá là nhóm tiềm ẩn nguy cơ cao, gây mất an ninh, an toàn. Riêng 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ đã có khoảng gần 1.000 nguồn phóng xạ (bao gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn tại cơ sở).
Gắn thiết bị giám sát trong năm 2015
Những nguy cơ nói trên rõ ràng đặt ra vấn đề lớn đối với công tác quản lý. Với sự cố lần này, cũng theo ông Vương Hữu Tấn, nguyên nhân là các cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định liên quan quy trình quản lý nguồn phóng xạ, bao gồm việc xuất - nhập khẩu, vận chuyển, lắp đặt, sử dụng, tháo gỡ tới chấm dứt hoạt động thiết bị.
Hiện, Bộ KH&CN đã chỉ đạo sửa đổi Thông tư 23 (thông tư quản lý an ninh nguồn phóng xạ) nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật tối ưu để kiểm soát an ninh, đặc biệt là với các nguồn phóng xạ hoạt động di động. Theo đó, thiết bị gắn vào nguồn phóng xạ phải có các yêu cầu kỹ thuật để giám sát được hai thông số quan trọng: Vị trí đang ở đâu và có phóng xạ hay không? Thông tin này được truyền về hệ thống quản lý giám sát. Khi có bất kỳ thay đổi nào ngoài kiểm soát, chẳng hạn như mất tín hiệu phóng xạ, thiết bị giám sát sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo tới bộ phận quản lý tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, tới Sở KH&CN địa phương và tới cơ sở nơi có nguồn phóng xạ. Như vậy, khi có sự cố xảy ra, các bên đều có thông tin để cùng hành động, xử lý kịp thời. Việc gắn thiết bị quản lý này đã được Việt Nam cam kết từ năm 2012 tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hàn Quốc và phía Hàn Quốc cho biết sẽ viện trợ cho Việt Nam 30 bộ thiết bị giám sát theo một cam kết được ký giữa hai nước.
Được biết, Thông tư 23 dự kiến sẽ được ban hành ngay trong tháng 4-2015, tạo hành lang pháp lý cho việc gắn thiết bị định vị thực hiện trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.