Theo The Japan Times, Nhật Bản ngày 28-2 bắt đầu đợt xả nước phóng xạ đã qua xử lý lần thứ 4 ra biển, là lần xả thải cuối cùng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024.
Tương tự như những lần trước, Tokyo Electric Power Company Holdings Inc. (TEPCO) - đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - sẽ xả 7.800 tấn nước đã qua xử lý trong khoảng 17 ngày, sau khi xác nhận mức độ phóng xạ của lô nước mới nhất đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
Cũng theo TEPCO, hiện chưa ghi nhận mức tritium bất thường nào ở vùng biển gần đó từ ba lần xả trước.
Từ vòng này trở đi, TEPCO cũng cho biết, sẽ bỏ qua bước lưu trữ tạm thời nước thải đã qua xử lý trong một bể lớn nhằm kiểm tra mức tritium trước khi xả. Thay vào đó, công tác kiểm tra sẽ được tiến hành ngay khi nước chảy qua đường ống.
Như vậy, việc xả thải của TEPCO vẫn theo đúng kế hoạch. Đơn vị này dự kiến 4 vòng xả, tổng cộng 31.200 tấn nước đã qua xử lý trong năm tài chính hiện nay. Việc xả nước dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 30 năm.
Trung Quốc, nước phản đối việc xả nước, tiếp tục duy trì cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản kể từ lần xả đầu tiên cuối tháng 8-2023. Hai nước đã tham gia vào các cuộc thảo luận không chính thức để giải quyết vấn đề, nhưng tới nay chưa có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện.
Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới thường xuyên giải phóng nước đã qua xử lý có chứa nồng độ tritium thấp trong quá trình hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.