(HNM) - Ngày 30-12-2009, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bị chấn động bởi một vụ việc chưa từng xảy ra đối với cơ quan này kể từ khi được thành lập vào năm 1947 khi căn cứ Chápman, trụ sở của CIA gần tỉnh Khốt, đông nam Ápghanixtan bị rung chuyển bởi một vụ đánh bom tự sát.
7 nhân viên CIA và 1 quan chức tình báo Gioócđan là cháu họ của Quốc vương Ápđula II thiệt mạng. 6 người Mỹ khác cũng bị thương trong vụ tấn công được xem là nghiêm trọng nhất nhằm vào cơ quan tình báo Mỹ kể từ vụ đánh bom Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Bâyrút của Libăng năm 1983. Tuy nhiên bất ngờ không chỉ dừng ở đây. Sau khi danh tính và thân thế thủ phạm được công bố, CIA mới "ngã ngửa" khi kẻ thực hiện vụ đánh bom chính là Humam Khalít Abu-Mula an-Balauy, một điệp viên hai mang được CIA và tình báo Gioócđan chiêu mộ một năm trước nhằm tìm kiếm tung tích của Ayman an-Zaoahiri, thủ lĩnh số 2 của al-Qaeda.
Hiện trường vụ đánh bom ở Ápghanixtan hôm 30-12-2009. |
Theo hồ sơ của tình báo phương Tây, an-Balauy thuộc dòng tộc du mục Bedouin, phía Tây Ảrập Xêút nhưng sinh ra tại Côét ngày 25-12-1977. Lớn lên trong một gia đình trung lưu gồm 10 anh chị em, an-Balauy sống tại Côét cho đến năm 1990 khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra khiến gia đình cậu bé 13 tuổi chuyển tới định cư tại Zarqa, Gioócđan, quê nhà của Abu Musáp an-Daquauy, từng một thời là thủ lĩnh al-Qaeda ở Irắc nhưng đã bị tiêu diệt. Tại đây, cha của an-Balauy kiếm sống bằng lợi nhuận từ hai cửa hàng dược phẩm. An-Balauy tốt nghiệp trung học ở thủ đô Amman với tấm bằng loại ưu và sau đó theo học y khoa tại Trường Đại học Ixtanbun của Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 năm. Tốt nghiệp năm 2002, vị bác sĩ có triển vọng này tiếp tục học y khoa tại Đại học Gioócđan ở thủ đô Amman. An-Balauy kết hôn với Đaphia Bairắc, một phụ nữ người Thổ Nhĩ Kỳ và sống tại khu vực của người có thu nhập thấp ở Giaba Nuda, ngoại ô Amman.
Nhiều nguồn tin phương Tây khẳng định an-Balauy đã được các quan chức tình báo Gioócđan tuyển mộ sau khi bị bắt trong lúc đang xâm nhập vào Gada cùng một nhóm nhân viên y tế vào năm 2008. Sau đó, nhân vật này được đưa tới Ápghanixtan mà không vấp phải sự ngờ vực nào từ CIA khi cơ quan tình báo Gioócđan là một trong những đồng minh thân cận nhất của cơ quan tình báo Mỹ tại Trung Đông. Vào ngày định mệnh đó, an-Balauy được mời tới căn cứ Chápman sau khi hứa hẹn sẽ mang theo tin tức liên quan đến cánh tay phải của trùm khủng bố Oxama bin Lađen, bác sĩ nhãn khoa người Ai Cập, an-Zaoahiri. Chính vì vậy, hắn đã không bị kiểm tra kỹ lưỡng do CIA thường tin tưởng những người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ngay sau khi vào trong căn cứ, an-Balauy đã cho nổ tung quả bom mang theo người trước sự bất ngờ của cả tình báo Gioócđan và Mỹ.
An-Balauy - Người mà CIA cho rằng "đã được cảm hóa" là nhân vật có tư tưởng ủng hộ các phong trào Hồi giáo cực đoan từ khi còn trẻ. Theo tin từ Trung Đông, phần tử này từng góp phần xây dựng trang web al-Hesbah, một diễn đàn trực tuyến của những kẻ Hồi giáo cực đoan có trụ sở tại Yêmen và bản thân an-Balauy cũng có một blog Hồi giáo riêng. Vị bác sĩ trẻ tuổi này thường tuyên bố ước mơ lớn nhất trong đời là được chết như một người tử vì đạo trong cuộc thánh chiến chống lại Mỹ và Ixraen. Cũng vì thế, an-Balauy đã từng kêu gọi người Hồi giáo "cầm vũ khí, đeo những chiếc dây lưng chứa thuốc nổ để trả thù những kẻ đã giết hại phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến Gada". Gia đình đã không hề hay biết ý định của an-Balauy cũng như việc hắn tới Ápghanixtan mà họ tưởng người thân của mình đang ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng vợ và hai con gái để làm thủ tục học y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên vợ của an-Balauy cho biết, chồng cô có tư tưởng chống Mỹ cao độ.
Vụ nổ bom đã để lại tổn thất lớn cho CIA và làm lộ rõ lỗ hổng chết người trong cơ quan này; đồng thời cũng khiến tình báo Mỹ đau đầu về các thông tin mà những điệp viên hai mang cung cấp trong cuộc chiến chống khủng bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.