(HNM) - Tuần qua, chỉ bằng một câu nói, vị công tố viên người Mỹ đã tóm lại diễn biến mới nhất của vụ kiện như sau: "Văn phòng Công tố viên quận Manhattan có rất ít bằng chứng để khẳng định tội danh của cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, và thậm chí thiếu tin tưởng vào những cáo buộc của bên nguyên"... Không cần nhiều thời gian, Thẩm phán Michael J. Obus nhanh chóng tuyên bố hủy bỏ vụ án.
Cựu Tổng Giám đốc IMF D. Strauss-Kahn trở lại cuộc sống bình thường nhưng danh tiếng và sự nghiệp chính trị của ông đã bị hủy hoại. |
Vụ bê bối tình dục gây chấn động thành phố New York (Mỹ) và chính trường Pháp - nơi D. S. Kahn mang quốc tịch - suốt 3 tháng qua đã đột ngột kết thúc bằng một phiên tòa kéo dài 12 phút vào ngày 24-8 vừa qua (giờ Việt Nam). Quyết định của Thẩm phán Michael J. Obus đồng nghĩa với việc cựu Tổng Giám đốc IMF D. Strauss-Kahn được trở lại cuộc sống bình thường sau nghi án cưỡng dâm cô nhân viên phục vụ phòng có tên Nafissatou Diallo kịp hủy hoại danh tiếng và cả sự nghiệp chính trị của ông.
Trước đó, trong một bản kiến nghị dài tới 25 trang gửi tới tòa án, các công tố viên đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng đối với người bị hại trong nghi án. Ngoài việc liên tục thay đổi lời khai, N.Diallo còn bị phát hiện đã từng nói dối là nạn nhân của vụ cưỡng dâm tập thể ở Guinea để xin tị nạn ở Mỹ. Vì vậy, lời khai trong nghi án liên quan tới Strauss-Kahn không còn tác dụng. Bằng chứng bất lợi nhất đối với cô hầu phòng là cuộc điện thoại giữa cô và người bạn trai đang ngồi tù ở Arizona vì tội tàng trữ ma túy. Trong cuộc trò chuyện với người đàn ông này sau khi vụ việc xảy ra khoảng 28 giờ, người phụ nữ gốc Phi đã nói: "Đừng lo, lão này có nhiều tiền lắm. Em biết là mình phải làm gì". Đoạn băng cho thấy cô có ý định kiếm chác từ vụ việc xảy ra ở phòng 2806 khách sạn Sofitel New York.
Sau khi được trả tự do, ông D.S Kahn có thể trở về Pháp. Về mặt lý thuyết, cựu Tổng giám đốc IMF vẫn có thể quay lại chính trường và thậm chí ra tranh cử tổng thống với tư cách là một ứng cử viên tự do. Tuy nhiên, cơ hội để ông đặt chân vào Điện Elysée là rất ít vì khó có thể vãn hồi hình ảnh trong chốc lát bởi những gì vừa xảy ra, nhất là sau khi cuộc sống tình cảm riêng tư của ông được mổ xẻ kỹ lưỡng trên báo chí. Đó là chưa kể ngay tại Pháp, chính trị gia 62 tuổi này cũng có thể phải đối mặt với một nghi án cưỡng dâm khác do nữ nhà văn Tristane Banon tố cáo.
Ngay sau khi vụ kiện bị bãi bỏ, N.Diallo và luật sư của cô, Kenneth Thompson, tỏ ra rất bất bình. Luật sư Thompson cho rằng, các công tố viên không chỉ quay lưng lại với nạn nhân mà còn quay lưng lại với cả những bằng chứng pháp lý, hóa học và vật lý trong vụ việc. Đây là một hành động từ chối "quyền được phân xử công bằng và sẽ lập thành rào cản ngăn phụ nữ dám đứng lên tố cáo những sự việc tương tự". Hiện tại, N.Diallo vẫn tiếp tục đệ đơn lên tòa án dân sự ở Mỹ với quyết tâm bảo vệ danh dự đến cùng. Tuy nhiên, nhiều luật sư danh tiếng cho rằng, khả năng lật ngược lại vụ án chỉ là 1%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.