(HNMO) - Một vụ hỏa hoạn xảy ra, dù lớn nhỏ, thì cũng gây ô nhiễm môi trường ở một cấp độ nhất định cho một khu vực nhất định. Vấn đề xử trí với ô nhiễm cũng tùy tính chất của vụ cháy, quan trọng là phải đánh giá đúng tính chất của sự việc.
1. Liên quan đến vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), có thể nói, đây là một vụ việc chưa có tiền lệ, bởi nó không như bất cứ vụ cháy nào từng xảy ra ở Hà Nội, vụ cháy đã phát tán một lượng thủy ngân ra môi trường. Có lẽ cũng vì chưa từng xảy ra nên ở một góc độ nào đó, phải thừa nhận, việc xử trí thực tế, ứng phó tình huống có phần lúng túng, cả ở các cấp, ngành.
Thực tế, bất cứ chuyên gia nào cũng sẽ thừa nhận việc xử lý môi trường sau các vụ cháy lớn không hề đơn giản, muốn xử lý tốt phải biết được ngọn lửa đã thiêu đốt những gì, khối lượng bao nhiêu, tính chất như thế nào?
Trong vụ cháy này không chỉ có thủy ngân mà còn cả hóa chất khác. Về nguyên tắc là có gây độc hại cho nên dù độc hại ở mức độ nào và độc hại do chất gì thì việc khuyến cáo an toàn cho người dân cũng là cần thiết.
Song cảnh báo khác với kết luận về hậu quả, bởi điều này chỉ có thể căn cứ kết quả quan trắc khoa học. Việc xử lý cũng cần phải có phương án của cơ quan chuyên môn, sau khi có các kết quả phân tích hiện trường.
Về quản lý rủi ro môi trường, hiện nay, theo Nghị định 30/2017/NĐ-CP, khi xảy ra sự cố cháy nổ, sập đổ công trình, phát tán phóng xạ, hóa chất độc hại..., chủ cơ sở xảy ra sự cố và cơ quan chủ quản là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm thông báo, phối hợp chính quyền địa phương để cảnh báo, khắc phục, cứu nạn. Khi vụ việc vượt quá khả năng ứng phó của địa phương thì đề nghị Chính phủ, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện phối hợp ứng phó.
Như vậy, trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, thẩm quyền về xử lý hậu quả môi trường là thành phố Hà Nội,từ việc điều tra nguyên nhân, xác định thiệt hại, tiến hành quan trắc mức độ ô nhiễm đến công bố thông tin. Chưa kể, địa điểm cháy là nơi có sử dụng hóa chất còn cần có đơn vị chuyên biệt, có kinh nghiệm, phương tiện phù hợp tham gia ứng phó,..
Quy trình là vậy, song việc có quá nhiều thông tin đưa ra một cách không chính thống, vội vã và thiếu nhất quán đã khiến người dân hoang mang. Nhất là, tâm lý chung thì thông tin từ cơ quan trung ương thường được tin cậy bởi có trình độ cao hơn, phương tiện hiện đại hơn và không phải "người trong nhà". Vì vậy, dễ hiểu vì sao, cảnh báo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay lập tức được báo chí, người dân quan tâm và tin tưởng.
Thế nhưng, ngay cả những thông tin đưa ra từ các cơ quan chuyên môn cũng thiếu nhất quán. Có những ngày có tới 3 cơ quan ra 3 phát ngôn với nội dung khuyến cáo khác nhau. Nhiều văn bản được ban hành vội vã sau đó lại được chỉnh sửa hoặc thu hồi. Sự lúng túng trong xử lý càng khiến người dân bối rối. Giá như có phối hợp, có cơ quan giữ vai trò điều phối, tổ chức giải quyết sự cố thì chắc chắn đã không có tình trạng nhiễu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho người dân như những ngày qua.
2. Trở lại với vụ cháy, ngay khi xảy ra hỏa hoạn, chính quyền các cấp của Hà Nội, từ thành phố đến quận, phường đã vào cuộc. Phương châm chữa cháy "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ) đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo và thực hiện rất tốt. Cũng vì thế mà vụ cháy được đánh giá là rất lớn nhưng đã không thiệt hại về người, đặc biệt là không để xảy ra cháy lan sang khu dân cư.
Đối với vấn đề môi trường và sức khỏe người dân, thành phố cũng đã hành động rốt ráo. Các đơn vị chuyên môn của thành phố đã vào cuộc giám định chất lượng không khí, chất lượng môi trường đất, nước mặt… và công bố công khai các kết quả quan trắc, khuyến cáo về các biện pháp phòng tránh, bảo đảm sức khỏe nhân dân. Thông tin về tiến trình xử lý vụ việc của các cơ quan chuyên môn cũng được cập nhật hằng ngày để người dân theo dõi. Cùng với đó là triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, cả trước mắt và lâu dài.
Để đưa ra giải pháp khoa học và minh bạch, dù có thiết bị hiện đại xác định được chỉ số ô nhiễm môi trường rất chính xác, nhưng UBND thành phố Hà Nội đã trưng cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ giám định độc lập.
Cùng với đó, Hà Nội tích cực triển khai khám sức khỏe miễn phí cho nhân dân, hàng nghìn người trong khu vực bị ảnh hưởng đã được kiểm tra sức khỏe, an tâm khi biết mình an toàn. Chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Rất nhiều công việc cần được xử lý cùng lúc. Một vụ hỏa hoạn xảy ra dù lớn nhỏ gì thì cũng gây ra ô nhiễm môi trường ở một cấp độ nhất định cho một khu vực nhất định. Xử trí với ô nhiễm cũng tùy từng tính chất của vụ cháy, quan trọng là phải đánh giá đúng tính chất của sự việc…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.