(HNMCT) - Dù trong điều kiện sinh sống và làm việc xa quê hương, dù cho có những mùa xuân phải đón Tết xa nhà, nhưng những người Hà Nội ở nhiều nơi trên thế giới vẫn cứ dành ra một sự chăm chút nhất định cho Tết cổ truyền. Mỗi chăm chút ấy chở theo bao nỗi niềm vọng cố hương của những người Thủ đô xa xứ.
Nhà văn Hiệu Constant (Paris, Pháp):
Trong tôi Tết cổ truyền vẫn như nguyên vẹn
Viễn xứ đã trên hai chục năm nhưng hiếm khi tôi được hồi hương đúng dịp Tết Nguyên đán. Dẫu vậy, trong tôi ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn như nguyên vẹn.
Ngày các con còn nhỏ, tôi thường đi chợ sắm các đồ làm sẵn, và đêm tất niên, ngày mùng một chỉ việc sắp mâm, nhưng từ khi các con lên 5 tuổi tôi bắt đầu tự mình làm các món. Bận rộn hơn nhưng rất vui. Tôi sắm gạo nếp, mua lá dong và mua đủ các loại thực phẩm cần thiết cho một cái Tết. Thực ra tôi cũng chỉ chuẩn bị những món mà ngày xưa mẹ tôi ở quê đã làm như bánh chưng, giò thủ, giò lụa, gà luộc, xôi đỗ, chè lam, măng miến, nem và trên mâm cỗ Tết nhà tôi lúc nào cũng trên dưới chục món. Rồi cành đào, dù nhỏ, cũng không bao giờ thiếu trong phòng khách vào dịp này.
Làm Tết rất vui, chúng tôi gọi như vậy, và cả nhà đều háo hức. Nhất là khi gói bánh chưng, lúc đầu các con tôi không biết gói, gạo và đỗ bắn tung tóe, nhưng tôi cứ để chúng làm, sau đó thì dọn. Những năm sau đó, các cháu đã có thể gói được những chiếc bánh chưng vuông vức, những cái nem tròn trịa, và nhất là chúng đã hiểu được ý nghĩa của ngày Tết Việt Nam!
Có năm tôi giả vờ quên đi chợ sắm Tết. Thường niên, bọn trẻ luôn thấy bố xem lịch đón Tết Âm lịch từ hàng tháng trước, vậy mà Tết đến gần vẫn không thấy mẹ đả động gì, chúng bắt đầu băn khoăn. Tôi lại vờ ướm hỏi: “Năm nay mẹ bận, hay nhà mình không làm Tết nữa nhỉ?”. “Có làm, có làm, con giúp mẹ, con giúp mẹ…” - cả hai đứa đồng thanh kêu lên. Quả thật là khi ấy tôi thấy hạnh phúc. Vừa làm cùng các con, tôi vừa thủ thỉ kể cho chúng nghe về các món thường được làm trong ngày Tết ở Việt Nam, về các giai thoại trời tròn đất vuông và sự tích bánh chưng, bánh giầy, rằng ngày xưa có hoàng tử Lang Liêu...
Mỗi năm, chúng tôi thường mời một gia đình người Pháp đến ăn tất niên hoặc ngày mùng một Tết. Các bạn Pháp đã rất ngạc nhiên khi nhìn một mâm cỗ đầy, và các con tôi lại hào hứng kể cho họ nghe về từng món và rất tự hào là chúng đã tham gia làm cùng với mẹ!
Những năm gần đây, các cháu đã trưởng thành, công việc học hành bận rộn hơn, thời gian giúp mẹ sửa soạn bữa ăn ngày Tết cũng giảm xuống, do vậy các món cũng ít đi, nhưng tôi vẫn gói bánh chưng, vẫn đồ xôi và làm nem, các cháu đã bắt đầu mời bạn đến dự Tết...
Ở nơi viễn xứ, tôi thực sự mong muốn các con mình, nhất là khi chúng được kết tinh từ hai dòng máu Việt - Pháp hiểu được những phong tục tập quán của mình, nói tiếng nói quê hương của mình. Tôi luôn không cố gắng ép mình làm những việc ấy, mà làm bằng tất cả tấm lòng chân thành. Bởi từ trong sâu thẳm, tôi nhớ cha mẹ tôi, nhớ ông bà và làng xóm quê tôi, tôi muốn đưa những nỗi nhớ ấy vào công việc hằng ngày, bằng cách truyền lại cho các con mình những gì tôi đã học được từ cha mẹ, từ truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là cách tôi đền ơn công sinh thành của cha mẹ, của vùng đất nơi đã sinh ra tôi - làng Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chị Vũ Thu Hồng - Quản lý nhân sự của Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong Quốc tế (Mekong River Commission Secretariat - MRCS) tại Viêng Chăn, Lào:
Hương vị Tết Việt ở Lào
Tôi làm việc ở MRCS được 6 năm. Ban Thư ký Ủy hội được đặt ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. Thành phố Viêng Chăn nhỏ, có nếp sống chậm rãi giống Hà Nội 30 năm trước, dân số khoảng 700.000 người. Người Việt ở đây khá nhiều, khoảng vài chục ngàn người. Viêng Chăn cũng có những quán phở gà, phở bò đậm chất Việt và thường do người Việt, đặc biệt là người Hà Nội mở bán. Phở gà, bún chả, chả cá của chị Trần Thanh Thủy (người Hà Nội) bán ở đường Lane Xang rất ngon và đậm vị Việt. Trước còn có phở Dung, cũng là người Hà Nội, rất ngon và nổi tiếng. Nay quán đã rời đi nơi khác. Ngoài ra, còn có phở Mai hoặc phở Tùng, cũng là của người Hà Nội mở...
Những hương vị quê nhà trên đất bạn như thế khiến tôi lắm khi thêm nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội mà lắm khi cũng lại là vợi bớt nỗi nhớ thương quê nhà, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân sang.
6 năm ở Lào, tôi đã có 2 năm ăn Tết ở Viêng Chăn. Dịp này, thời tiết ở Viêng Chăn rất dễ chịu, mát mẻ, trời trong veo. Người Việt ở đây khá đông nên Tết thường không thiếu gì, đủ cả giò chả, bánh chưng, mứt Tết. Bánh chưng do chị Trần Thanh Thủy - chủ cửa hàng phở Hà Nội làm rất ngon. Rồi đào, quất cũng đủ cả. Tết năm ngoái, tôi cũng mua được cành đào. Không biết người ta mang đào từ đâu về, nhưng có cả một dãy phố bán đào. Nhìn hoa như thấy cả những mùa Tết ở Hà Nội năm nào. Đêm giao thừa, nhà tôi cũng có đủ bánh chưng, nem... thắp hương cúng tổ tiên. Có năm, nhiều người về Việt Nam thì cũng buồn.
Những mùa xuân xa quê như thế, tôi thường hay nhớ mẹ tôi, nhớ những cái Tết ở Hà Nội thuở còn thơ bé nơi ngõ chợ Nguyễn Cao. Chúng tôi khi ấy sẽ phải vất vả đến tận đêm cùng mẹ giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, mua mùi già về đun, đi xếp hàng mua dầu thắp. Mẹ sẽ đôn đốc và cả nhà sẽ tất bật, náo nức, tưng bừng. Vất vả, bận rộn vậy mà vui...
Bé Lê Hải Anh, 13 tuổi (Melbourne, Australia):
Tết Việt rất vui!
Con sinh ra và lớn lên ở Australia. Thường thì hai năm con được về Hà Nội, về Việt Nam một lần, nhưng con chưa lần nào được ăn Tết ở Việt Nam.
Nhưng Tết Việt Nam ở Australia con cũng thấy rất vui. Cả nhà ai cũng mong đến Tết. Chiều 30 Tết con được đi chợ với bố mẹ. Chợ người Việt rất đông có cả gà và nhiều loại rau như con thấy khi về thăm ông bà ở Hà Nội. Mẹ con bảo, riêng hoa lay ơn không mua sớm là hết. Bố mẹ nấu cơm tất niên thắp hương mời tổ tiên về ăn Tết. Cơm tất niên có rau xào thịt bò, miến, thịt gà luộc, bánh chưng, bánh, trái cây để thắp hương.
Con và em gái đặc biệt thích ăn bánh chưng rán với xì dầu. Ngày mùng một Tết, bố mẹ con xin nghỉ làm, chúng con được nghỉ học và cả nhà đi chùa Quang Minh (nằm ở Braybrook phía Tây thành phố Melbourne). Ở chùa Quang Minh, sáng mùng một Tết rất đông người đi lễ. Bố mẹ mừng tuổi cho hai chị em con. Cả nhà gọi điện về Hà Nội chúc mừng Tết ông bà nội ngoại, các bác và các anh chị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.