Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vốn tín dụng cho vay ưu đãi: Hơn cả một chương trình an sinh xã hội

Sơn Tùng| 01/11/2015 06:16

(HNM) - Đi đôi với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách, TP Hà Nội còn dành kinh phí hàng nghìn tỷ đồng giúp các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình tại huyện Chương Mỹ đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Thái Hiền


Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Thăm cơ ngơi trang trại của anh Đặng Văn Quảng, xã Phú Túc (Phú Xuyên) mới thấy những chính sách hỗ trợ phát triển của thành phố đi vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả. Anh Quảng cho biết: Sau dồn điền, đổi thửa, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Sau 3 năm, từ vùng đất úng trũng, cấy lúa năng suất bấp bênh, anh Quảng đã cải tạo cấy một vụ lúa và nuôi cá rô, cua đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài tạo việc làm cho 3 lao động của gia đình, trang trại còn giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động ở xã Phú Túc. Mô hình phát triển kinh tế hộ của anh Quảng là một trong hàng nghìn nông dân trên địa bàn thành phố được quan tâm hỗ trợ đồng vốn vay để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo NHCSXH TP Hà Nội, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhằm giải quyết việc làm cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn, đến nay, trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, đồng thời theo dõi và quản lý trên 300.000 khách hàng vay vốn. Trong 5 năm (2010-2015), tổng doanh số cho vay đạt 10.549 tỷ đồng, doanh số cho vay năm sau đều cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm đạt 1.758 tỷ đồng với hơn 700.000 lượt khách hàng được vay vốn.

Tổng doanh số thu nợ đạt 8.116 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu nợ 1.353 tỷ đồng, chiếm 77% tổng doanh số cho vay, góp phần tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến 30-9-2015, tổng dư nợ tại NHCSXH TP Hà Nội đạt 5.042 tỷ đồng, tăng 321 tỷ đồng (6,8%) so với đầu năm và tăng 1.816 tỷ đồng (56,3%) so với năm 2010. Trong các chương trình tín dụng, gần 97% dư nợ của đơn vị tập trung vào 5 chương trình tín dụng chủ yếu, trong đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo lớn nhất, chiếm tỷ trọng 27,2%, tiếp đến giải quyết việc làm chiếm 27,1%, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 18,9%, cho vay hộ nghèo 14,7% và cho vay học sinh, sinh viên 8,8%.

Trong số hàng nghìn lượt khách hàng vay vốn từ NHCSXH thành phố có tới 176.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, qua đó giúp hơn 50.000 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động, giúp hơn 80.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng cải tạo hơn 284.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng hơn 7.000 ngôi nhà cho hộ nghèo. Riêng 9 tháng năm 2015, có hơn 90.000 lượt khách hàng được vay vốn, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2014. Qua đó, giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động, hỗ trợ cải tạo và xây mới hơn 50.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ vốn trang trải chi phí cho hơn 25.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Ngoài đồng vốn ủy thác thông qua NHCSXH để trợ giúp nông dân và đối tượng chính sách, các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Khuyến nông, Quỹ Khuyến công… cũng được sở, ban, ngành triển khai ở nhiều địa phương với hàng nghìn tỷ đồng cho vay thúc đẩy phát triển kinh tế ngoại thành. Nhờ các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai có hiệu quả đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 6,09% năm 2010 xuống còn 1,91% thời điểm đầu năm 2015; còn theo chuẩn trung ương thì tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,97% năm 2010 xuống còn 1,1% thời điểm đầu năm 2015. Thông qua các chương trình cho vay đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới.

Bằng nhiều giải pháp, trọng tâm là bố trí nguồn lực tài chính, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc bố trí ngân sách cho ủy thác qua NHCSXH thành phố và các đơn vị khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đây là một nỗ lực lớn của thành phố để thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn tín dụng cho vay ưu đãi: Hơn cả một chương trình an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.