(HNMO) - Liên hoan “Giai điệu mùa thu 2017” vừa khai màn tại TP Hồ Chí Minh với đêm trình diễn nghệ thuật đỉnh cao - vở nhạc kịch “Con dơi”.
Đây là một chương trình hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Nhà hát Giao hưởng nhạc Vũ kịch TP HCM với Viện Goethe Việt Nam, dưới chỉ đạo của đạo diễn quốc tế người Đức David Hermann, chỉ huy dàn nhạc Askan Geisler, chỉ huy dàn nhạc và dàn dựng hợp xướng Trần Nhật Minh và huấn luyện viên thanh nhạc đến từ Đức.
Tác phẩm nhạc kịch “Con dơi” (tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Strauss) đã đẩy khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, tạo kịch tính liên tiếp, tràn trề không khí của âm nhạc và vũ hội.
Nhân vật Einsenstein là một anh chàng vốn hay chơi xấu với bạn bè, nên đã có lần bỏ rơi bác sĩ Falke ngoài công viên sau một đêm nhậu nhẹt, khiến anh ta phải lủi thủi về nhà, cúi gằm mặt xấu hổ vì bị mọi người chế nhạo hôi thối và đen đúa như một con dơi. Để trả đũa Einsenstein, bác sĩ Falke bày ra những màn kịch bí ẩn và đầy bất ngờ, được “hoá trang” trong hình thức của dạ vũ, tiệc tùng. Einsenstein hào hứng lao đến tham dự, không hề hay biết Falke cũng sắp xếp để cô nàng Rosalinda xinh đẹp và lẳng lơ - vợ của chính Einsenstein đến dự tiệc, nhưng được hoá trang thành nữ bá tước Hungary. Rosalinda xuất hiện quá xinh đẹp, toả sáng với chiếc mặt nạ và Einsenstein đã tán tỉnh chính vợ mình mà không hề hay biết…
Tấn hài kịch kết thúc ở phòng giam đặc biệt - một nhà giam “vui vẻ” rộn rã những màn hát múa hoành tráng và những sự nghi ngờ, bóc mẽ, lật tẩy lẫn nhau của tất cả các nhân vật. Cô hầu gái muốn được làm ngôi sao, “hiệp sĩ” thực chất là giám đốc nhà giam, anh chàng ham vui lại phát hiện ra đã bị vợ “cắm sừng”…Hoá ra, đằng sau chiếc mặt nạ mà mỗi người đang mang là một “bộ mặt” khác, trong mỗi con người thị dân đều tồn tại những cái xấu, cái ác, như mặt trái của chiếc áo choàng lộng lẫy mà họ luôn khoác lên người mỗi khi “đóng vai” chính mình.
Tất cả nội dung câu chuyện được chuyên chở bằng một tổng thể âm thanh sặc sỡ, nhiều màu sắc, đầy ắp giai điệu như chính các xúc cảm đa dạng của con người. Vở diễn trở nên bắt mắt, đẹp lộng lẫy, tinh tế tới từng chi tiết khi nhận được tài trợ toàn bộ phục trang từ nhà thiết kế danh tiếng Quỳnh Paris.
Mặc dù, nội dung vở diễn được các nghệ sĩ hát bằng tiếng Đức, nhưng khán giả không hề khó khăn để tiếp cận, hiểu được và thoại vì lời thoại bằng tiếng Việt. Đây cũng là một sự giao lưu văn hoá thú vị, và các nghệ sĩ nước ngoài tham gia vở diễn cũng buộc phải học thoại tiếng Việt, trong khi các nghệ sĩ Việt cũng phải tập luyện trong suốt ba tháng để có thể hát thành thạo tiếng Đức của vở diễn kinh điển này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.