(HNM) - Đến thời điểm này, bưu chính - viễn thông là ngành duy nhất có 2 tập đoàn hoạt động và kinh doanh trong cùng lĩnh vực là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). VNPT tiếp nối truyền thống 65 năm của ngành bưu điện và nhiều năm liền giữ vị trí số 1 trên thị trường cả về thị phần lẫn doanh thu, song vị trí này đang bị lung lay và có thể sẽ bị hoán đổi với Viettel!
VNPT và mục tiêu đạt 100.000 tỷ đồng năm 2010
Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Viettel. Ảnh: Thanh Hải
VNPT đang dẫn đầu về thị phần điện thoại cố định, internet, bỏ xa các nhà cung cấp dịch vụ này là Viettel, FPT và EVN Telecom. Với internet, VNPT đã chi cả tỷ USD để phát triển băng rộng và Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), đơn vị thành viên của VNPT, đang giữ gần 70% thị phần cung cấp dịch vụ này trên cả nước. Ở lĩnh vực bưu chính, dịch vụ của VNPT cung cấp rộng khắp đến tận miền núi, các vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc, phần lớn đối thủ kinh doanh bưu chính đều đang “sống nhờ” khi phải thuê lại mạng lưới vận chuyển của VNPT. Trong số này, với dịch vụ điện thoại cố định, bưu chính, bên cạnh kinh doanh, VNPT còn phải thực hiện nghĩa vụ công ích rất lớn tại các vùng theo quy định của Nhà nước. Với cả ba dịch vụ kể trên, VNPT đều chiếm giữ thị phần chính, nhưng doanh thu lại không cao. Tổng Công ty Bưu chính năm 2009 đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Lĩnh vực internet, năm 2009, cho dù doanh thu của VDC tăng 50% so với năm 2008, song cũng chỉ là hơn 1.100 tỷ đồng. Đóng góp vào doanh thu của VNPT còn có các liên doanh, doanh nghiệp (DN) khác và hệ thống 60 VNPT tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng ngay cả đơn vị lớn như VNPT Hà Nội, doanh thu năm 2009 chỉ là 3.200 tỷ đồng.
Vậy doanh thu đạt 100.000 tỷ đồng của Tập đoàn năm 2010 phải trông đợi nhiều vào hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone, cao gấp chục lần so với các đơn vị khác. Năm 2010, Mobifone đặt mục tiêu đạt doanh thu 40.000 tỷ đồng; Vinaphone dự kiến đạt 27.000 tỷ đồng. Có thể nói, trong nhiều năm qua, lĩnh vực thông tin di động đã đóng góp phần lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn. Do vậy, sẽ là dễ hiểu đây được coi là lĩnh vực được Tập đoàn ưu ái và có những chỉ đạo sát sao nhất. Với Mobifone, do sẵn mô hình hoạt động hợp tác liên doanh từ những ngày đầu nên hệ thống kinh doanh có sự phân cấp rõ ràng và đây chính là thế mạnh của DN này, nhiều năm qua vẫn duy trì vị trí trên thị trường. Với Vinaphone, việc kinh doanh vẫn phụ thuộc lớn vào các viễn thông tỉnh, thành và cả bưu điện. Bên cạnh mặt tích cực, một điều không thể phủ nhận rằng trong một thời gian dài bộc lộ nhiều hạn chế về cạnh tranh với các mạng khác khiến Vinaphone đang giữ vị trí số 1 nhiều năm bị tụt hạng, chỉ còn đứng thứ 3. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển mạnh mẽ hơn, Vinaphone cần tách kinh doanh khỏi các đơn vị thành viên của Tập đoàn… Song lãnh đạo Tập đoàn từng khẳng định sẽ không có "người đại diện" của Vinaphone tại các tỉnh, thành. Việc kinh doanh di động Vinaphone sẽ giao cho lãnh đạo VNPT tỉnh, thành thực hiện. Như vậy, trước đây VNPT tỉnh, thành chỉ kinh doanh chủ yếu điện thoại cố định và internet, từ năm 2010 sẽ được giao chỉ tiêu cụ thể phát triển thuê bao di động.
Viettel: Kỳ tích doanh thu năm sau tăng gấp đôi có lặp lại?
Trong 5 năm qua (2004-2009) Viettel liên tục đạt doanh thu năm sau cao gấp 2 lần so với năm trước (gần nhất, năm 2009 đạt 60.200 tỷ đồng, năm 2008 đạt 30.000 tỷ đồng). Năm 2010 Viettel đề ra mục tiêu đạt 75.000-78.000 tỷ đồng. Nhưng những động thái gần đây cho thấy tập đoàn này đang sử dụng chiến thuật mới. Ví dụ, trong khi vừa kiến nghị bộ chức năng nên ban hành mức giá sàn cho cước di động, tránh tình trạng giá dưới mức giá thành, gây thiệt hại cho DN và Nhà nước, khiến dư luận hiểu là Viettel chưa hoặc không tính đến chuyện giảm giá thì chỉ ít ngày sau đó, Công ty Viễn thông Viettel (thành viên của Tập đoàn) bất ngờ công bố giảm cước di động, khiến các nhà mạng đối thủ phải trình gấp phương án giảm cước (cho dù bộ chức năng chưa thông qua)…
Trong lần trao đổi với báo giới, một phó tổng giám đốc Viettel bày tỏ, việc đề xuất giảm cước di động không phải nhằm "tiêu diệt" bất cứ ai mà bên cạnh việc đem lại quyền lợi cho khách hàng còn là liều thuốc "giảm béo" cho chính Viettel. Bởi trong thời gian qua, Viettel tăng trưởng quá nhanh khiến không ít người của Viettel có tâm lý "ru ngủ", đó là sự nguy hiểm. Vì vậy, việc giảm cước khiến doanh thu giảm đi, buộc Viettel phải tính toán, tối ưu hóa chi phí, bộ máy hoạt động để đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, lưu ý rằng, ngoài các lĩnh vực kinh doanh trong nước, Viettel còn có doanh thu từ hai thị trường di động là Campuchia và Lào, trong đó viễn thông tại thị trường Campuchia đã đạt được những kết quả tốt.
Miễn là khách hàng được lợi
Phát biểu tại VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp từng bày tỏ sự lo ngại nếu VNPT không phấn đấu nỗ lực đạt doanh thu cao, rất có thể vị trí số 1 trên thị trường sẽ "rơi" vào tay Viettel. Nếu điều này xảy ra sẽ không vui cho VNPT mà cho chính cả Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị chủ quản của VNPT). Áp lực từ thị trường, sự kỳ vọng của khách hàng cũng như toàn ngành sẽ là những khó khăn không nhỏ với VNPT. Song với truyền thống 65 năm phát triển cũng như về kinh nghiệm và sự đổi mới quyết liệt từ ban lãnh đạo Tập đoàn đến các đơn vị trực thuộc, mục tiêu 100.000 tỷ đồng có lẽ không phải khó với VNPT. Nhưng với khách hàng, ai là số 1 có lẽ sẽ không quan trọng lắm vì chỉ cần họ được cung cấp dịch vụ có chất lượng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.