(HNM) - Chuyển đổi số là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg (ngày 3-6-2020 phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030), nhưng đồng thời cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp hàng đầu về viễn thông, công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đưa ra bộ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Giải pháp chuyển đổi số đã được VNPT chính thức giới thiệu tại Hội nghị Xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số cho doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức trong tuần qua. Tại hội nghị, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT nhấn mạnh cam kết tham gia với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng đồng hành hỗ trợ để có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng chính phủ điện tử và Chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc Ủy ban. Với 19 doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc Ủy ban, việc chuyển đổi số toàn diện là một quá trình đòi hỏi phải có một chiến lược nhất quán và xuyên suốt.
Giới thiệu cụ thể về 4 giải pháp chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (thuộc VNPT) cho biết: Thứ nhất, xây dựng hạ tầng số và nền tảng số, hệ thống dữ liệu tập trung của đơn vị. Thứ hai là các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Thứ ba, ứng dụng các công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, kinh doanh để giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định thông minh. Thứ tư là các giải pháp an toàn bảo mật để bảo đảm kết nối an toàn cũng như nâng cao nhận thức về an toàn thông tin. Cùng với đó, VNPT đưa ra các giải pháp, sản phẩm cụ thể phục vụ cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp, trong đó có các mô hình nhà máy thông minh, văn phòng thông minh, định danh điện tử eKYC…
Cũng theo ông Ngô Diên Hy, một tiến trình chuyển đổi số thành công phải là sự tổng hòa của cả 5 yếu tố như văn hóa và chiến lược số, sự gắn kết khách hàng, quy trình và cải tiến, nền tảng công nghệ, phân tích và quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, dù công nghệ, kỹ thuật hiện đại đến mấy cũng chỉ là công cụ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Điều quyết định thành công khi thực hiện chuyển đổi số chính là sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo và tổ chức để xây dựng tiến trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đang nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế đất nước, do vậy việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ hiện thực hóa được nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở các doanh nghiệp này. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và thực hiện việc xây dựng chính phủ điện tử theo mô hình kiến trúc chính phủ điện tử 2.0. Đồng thời, tăng cường kết nối với doanh nghiệp về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, nâng cao chất lượng thông tin giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.