(HNMO) -Tăng điểm trong phiên sáng nhưng đến chiều cùng ngày, lực bán ra khá mạnh khiến VN-Index quay đầu giảm.
Đóng cửa phiên 30/10, VN-Index hạ 2,06 điểm, tương ứng 0,35%, xuống 589,14 điểm; VN30-Index còn 627,21 điểm sau khi hạ 0,89 điểm (-0,14%).
Lực cung-cầu chênh lệch thể hiện rõ ở số cổ phiếu tăng-giảm giá. Thị trường ghi nhận 143 mã đi xuống, nhiều gấp gần 2 lần số mã tăng (79 mã). Tại nhóm VN30, số mã giảm cũng chiếm ưu thế, chỉ 7 mã tăng đi lên là DRC, EIB, IJC, PPC, REE, STB và VCB tăng 100-1.500 đồng mỗi cổ phiếu, trong khi đó có 15 mã đi xuống.
Phiên sáng nay, cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế nhưng VN-Index vẫn đi lên bởi một số mã trụ cột lên điểm và GAS giữ giá. Tuy nhiên, phiên chiều, mã lớn nhất thị trường là GAS giảm 2.000 đồng, xuống 104.000 đồng mỗi cổ phiếu đã tác động lớn đến chỉ số chung. Sau khi tăng kịch trần vào hôm qua và lên nhẹ phiên sáng 30/10, đến chiều nay OGC quay đầu giảm 500 đồng, xuống 9.600 đồng mỗi cổ phiếu. Thanh khoản của thị trường không cao. Tổng cộng có gần 100 triệu cổ phiếu và 1.600 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index nhích 0,2 điểm, lên 86,79 điểm; HNXFF-Index đạt 87,1 điểm, cộng 0,18 điểm; HNX30-Index lên 172,63 điểm sau khi cộng 0,11 điểm; LARGE-Index tăng 0,47 điểm, đạt 131,11 điểm. Tổng lượng giao dịch là 50,202 triệu cổ phiếu và hơn 700 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên giao dịch sáng, hôm qua, thị trường có một phiên tăng điểm hưng phấn sau chuỗi phiên biến động mạnh kể từ cuối tuần trước. Trên thực tế, đà bật lại của hai chỉ số không khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tín hiệu hồi phục đã xuất hiện từ cuối phiên hôm qua. Cổ phiếu OGC vẫn là tâm điểm của thị trường nhưng diễn biến giá trái ngược hoàn toàn với 3 phiên trước khi giữ được mức giá trần về cuối phiên. Ngoài ra, hai cổ phiếu vốn hóa lớn là GAS và VNM cùng một loạt các bluechips khác cũng tăng điểm, giúp mức tăng của chỉ số được mở rộng về cuối phiên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo nhóm nghiên cứu của BVSC, hiệu ứng tích cực từ thông tin giảm trần lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng cùng áp lực bán tại cổ phiếu OGC giảm bớt là hai nhân tố quan trọng giúp chỉ số phục hồi mạnh trong phiên hôm nay. Tuy vậy, tác động từ việc giảm lãi suất có thể sẽ không quá lớn và kéo dài. Trên thực tế, 4 Ngân hàng thương mại gốc quốc doanh lớn (chiếm khoảng 60% thị phần tiền gửi huy động hiện nay) đã giảm lãi suất huy động về các mức thấp hơn hẳn mức 5,5% hơn một tháng trước đây. Vì thế, quyết định này của Ngân hàng Nhà nước phần nhiều mang tính định hướng và tái khẳng định chủ trương của nhà điều hành sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian tới. Mặc dù bật tăng trở lại với biên độ khá mạnh trong phiên hôm nay nhưng thị trường vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn.
Trở lại phiên hôm nay, ở đợt khớp lệnh đầu tiên VN-Index nhích 1,61 điểm, lên 592,81 điểm. Khối lượng giao dịch rất thấp với chỉ 2,27 triệu cổ phiếu và gần 37 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường rung lắc đáng kể, lúc tăng lúc giảm. Tuy nhiên, đến hết giờ giao dịch sáng, VN-Index tăng 1,73 điểm, tương ứng 0,29%, lên 592,93 điểm; VN30-Index đạt 629,79 điểm sau khi cộng 1,69 điểm.
Cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 82 mã đi lên, 106 mã đi xuống. Đó là nhờ một số cổ phiếu trụ cột như MSN, VMN, VIC, BVH, REE…tăng giá. Không tăng kịch trần như hôm trước nhưng OGC vẫn giao dịch khả quan khi tăng 100, lên 10.200 đồng/cổ phiếu với khối lượng chuyển nhượng đạt 2,34 triệu cổ phiếu. REE là mã khá nổi bật trong phiên khi tăng 800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt gần 4,4 triệu cổ phiếu .
Giao dịch tăng nhẹ, toàn thị trường có 53,912 triệu cổ phiếu và 934,990 tỷ đồng được chuyển nhượng, so với con số 50 triệu cổ phiếu và hơn 824 tỷ đồng phiên sáng qua.
Tại sàn Hà Nội, giao dịch vẫn khá thấp. Tổng cộng có 25,614 triệu cổ phiếu và gần 400 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đóng cửa phiên sáng, các chỉ số đều nhích nhẹ: HNX-Index đạt 86,81 điểm, cộng 0,21 điểm; HNXFF-Index tăng 0,27 điểm, lên 87,19 điểm; HNX30-Index đạt 172,84 điểm, cộng 0,32 điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.