(HNMO) - Tối 3-10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm cho 26 cuốn sách, bộ sách giá trị, xuất sắc.
Dự lễ trao giải có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.
Đây là giải thưởng của Nhà nước được tổ chức hằng năm, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Giải thưởng được trao cho những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, các nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản; góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc; thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ trân trọng các thế hệ tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, tổ chức trực tiếp và gián tiếp đã làm nên những cuốn sách giá trị, góp phần bồi đắp tâm hồn người Việt Nam trong 70 năm qua. Phó Thủ tướng cũng chúc mừng các tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản được vinh danh tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm và khẳng định giải thưởng ngày càng uy tín, đã và đang góp phần phát triển văn hóa Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng ghi nhận những nỗ lực của ngành Xuất bản trong những năm gần đây đã thực hiện nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị và có những phương thức lan tỏa sách tích cực đến độc giả.
Đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng thời gian tới, ngành Xuất bản sẽ tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được; phát huy giá trị, uy tín của Giải thưởng Sách quốc gia 5 năm qua để thu hút nhiều tác giả, đơn vị xuất bản tham gia thực hiện những cuốn sách, bộ sách chất lượng; đồng thời, có các biện pháp để lan tỏa tri thức, góp phần thúc đẩy người Việt Nam ham học, ham đọc hơn nữa.
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, sách tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm được in và nộp lưu chiểu trong khoảng thời gian từ ngày 1-11-2020 đến 31-10-2021. Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tác giả, đơn vị xuất bản, phát hành đã nỗ lực xuất bản nhiều cuốn sách chất lượng và nhiệt tình tham gia giải. Đã có 48/57 nhà xuất bản tham gia, với 298 bộ sách và tên sách, gồm 386 cuốn.
So với mùa giải lần thứ tư, mùa giải lần này nhiều hơn 1 nhà xuất bản tham gia, nhiều hơn 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách. Các cuốn sách đề xuất giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Kết quả, có 26 cuốn sách, bộ sách được trao giải thưởng, trong đó có 1 giải A, 9 giải B và 16 giải C. Các tác phẩm được vinh danh lần này đều giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Xuất sắc đoạt giải A là cuốn sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của tác giả Lê Quang Định, dịch và chú giải Phan Đăng, do Nhà Xuất bản Thế giới liên kết Công ty cổ phần Sách Thái Hà ấn hành.
Các tác phẩm đoạt giải B gồm: “FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới” (Phan Hữu Thắng), “Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện đại” (Knud S.Larsen, Lê Văn Hảo), “Văn minh vật chất của người Việt” (Phan Cẩm Thượng), “Trống đồng Kính Hoa bảo vật quốc gia” (Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Kính), bộ sách “Bệnh học ngoại khoa” (nhóm tác giả), “Cô bé nhìn mưa” (Đặng Thị Hạnh), “Lịch sử đồng tiền Việt Nam” (tập thể tác giả), “Lịch hai mươi mốt thế kỷ” (năm 0001 - năm 2100) (Lê Thành Lân sưu tầm, biên soạn), “Công nghệ tạo vắc xin cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam” (Chu Hoàng Hà chủ biên)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.