(HNMO) - Nếu như ở Pháp phải mất 115 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, Australia là 75 năm thì ở Việt Nam dự báo chỉ là 15-20 năm.
Ngày 10-10, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cho phóng viên, cộng tác viên báo chí.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, công tác dân số tại Việt Nam phát sinh một số vấn đề, trong đó điển hình là mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu như năm 2010, tỷ số bé trai/bé gái là 111,2/100 thì năm 2015 là 112,8/100 và gần đây nhất, năm 2018 là 114,8/100.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Ngoài ra, mất cân bằng giới tính còn tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Nếu như ở các nước có nền kinh tế phát triển phải mất nhiều thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già (ở Pháp mất 115 năm, Australia là 75 năm) thì ở Việt Nam dự báo chỉ mất 15-20 năm. Trong khi đó, hệ thống y tế, an sinh xã hội chưa kịp thích ứng với vấn đề già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Nghị quyết số 21-NQ/TƯ nêu rõ mục tiêu, công tác dân số trong tình hình mới là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.