Đời sống

Chủ động để thích ứng với Già hóa dân số:Để tuổi già thêm hạnh phúc, ý nghĩa

Hoàng Lan 28/10/2023 - 18:37

Năm 2014, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Bên cạnh những lợi thế, số lượng người cao tuổi (NCT) tăng nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để ứng phó.

Một tín hiệu đáng mừng cho thấy, đời sống của NCT Việt Nam trong hơn hai thập niên gần đây đang có chuyển biến tích cực. Sống cùng hoặc sống phụ thuộc vào con cái đã không còn là lựa chọn ưu tiên của NCT nữa, thay vào đó, nhiều NCT chọn một cuộc sống tự chủ về cả vật chất lẫn tinh thần để tuổi già thêm hạnh phúc, ý nghĩa.

638337396616416290-nguoi-ca.jpg
Nhiều người cao tuổi chọn một cuộc sống tự chủ về cả vật chất lẫn tinh thần để tuổi già thêm hạnh phúc, ý nghĩa.

Từ bỏ quan niệm cũ

Dù có 2 con trai đều đang sống, làm việc tại Hà Nội nhưng vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Huy - Nguyễn Tuyết Nhung (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) không ở chung với con. Cứ đến tuổi lấy vợ, người con nào cũng bị ông bà “đuổi khéo”. Bà Nhung chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng đi làm dâu nên tôi hiểu những bất tiện của việc sống chung. Sự chênh lệch về tuổi tác sẽ nảy sinh xung đột trong cách sống, cách sinh hoạt nên vợ chồng tôi thống nhất ngay từ đầu, đứa nào lấy vợ là cho ra ở riêng”.

Mong muốn có một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi nên khi về già, ông bà Nguyễn Văn Cường - Đào Thị Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cũng lựa chọn không sống cùng con cái. Ngày ngày ông bà cùng mấy người bạn đồng niên rủ nhau ra công viên gần nhà tập thể dục, sau đó về nhà chuẩn bị cơm nước, cùng nhau đọc báo, nghe đài, chăm sóc vườn lan... Bà Hà khẳng định, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tĩnh dưỡng, tránh xung đột không cần thiết nên việc không ở chung với con cái mang lại nhiều lợi ích, hạn chế được những va chạm nhỏ nhặt khi sống cạnh nhau.

Xu hướng cha mẹ không sống chung cùng con cái dần phổ biến trong khoảng vài chục năm nay. Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, tỷ lệ NCT không sống chung với con cái là 18,3%. 10 năm sau, năm 2019, con số này đã lên đến 27,8%, cho thấy số NCT có nhu cầu sống chủ động ngày càng cao, thể hiện sự thay đổi tích cực trong quan điểm sống hưởng thụ tuổi già của NCT. Quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” đang được thay thế dần do xu hướng gia đình hạt nhân, gia đình 2 thế hệ ngày một phổ biến. Ở đó, thế hệ con cái muốn dành thời gian chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp, cho gia đình riêng; thế hệ cha mẹ già muốn có cuộc sống tự chủ với những sở thích riêng, lối sống riêng và tận hưởng cuộc sống về già ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn... mà vẫn duy trì sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

z4812335128288_cdd59818d3c4.jpg
Phát huy kinh nghiệm của người cao tuổi sẽ tạo nguồn lực có giá trị cho xã hội. Ảnh: Hà Chi

Làm chủ cuộc sống

Bên cạnh đó, những năm gần đây, xã hội cũng ghi nhận xu thế NCT chủ động hơn trong việc quản lý tài chính, không phụ thuộc vào tài chính của con. Ông Nguyễn Văn Thái, ngụ tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), chia sẻ: “Tuổi già sợ nhất là phụ thuộc về tài chính vào con cháu nên ngay sau khi về hưu tôi đã cùng vợ mở một quán cháo trong ngõ nhỏ gần nhà. Quán cháo không quá đông. Khách chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, nhưng nhờ chăm chỉ lao động nên hơn chục năm qua, tôi cũng tích góp được một khoản tiền bổ sung vào sổ tiết kiệm nhỏ có trước khi về hưu. Cuộc sống vì thế mà cũng nhẹ nhàng hơn”.

Còn với những người như ông Huy bà Nhung, do không làm thêm, vợ chồng chỉ trông vào lương hưu thì lại có dự định: “Mấy năm nữa già yếu, không tự chăm sóc được bản thân, vợ chồng tôi dự định sẽ bán căn nhà 4 tầng này đi, dùng một nửa số tiền đó mua một căn chung cư để đỡ phải lên xuống cầu thang. Nửa còn lại để dưỡng già, yếu quá thì thuê người chăm hoặc vào viện dưỡng lão, nhất định không làm phiền con cháu”...

Theo điều tra của Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vào năm 2011, tỷ lệ NCT tham gia làm việc cao hơn so với một thập niên trước đó. Có khoảng 39% số NCT vẫn làm việc, trong đó có tới 60% là người trong độ tuổi 60 - 69. Tỷ lệ NCT ở nông thôn làm việc cao hơn so với NCT ở thành thị. Theo báo cáo về NCT và lực lượng lao động tại Việt Nam (UNFPA, 2016), năm 2014 có 47,4% số NCT (nam) và 36,5% (nữ) vẫn làm các công việc có thu nhập, trong số đó có 54,5% làm công việc giản đơn.

Ngoài ra, bắt đầu từ sau năm 2010, nghiên cứu của Viện Xã hội học cũng chỉ ra rằng, việc tham gia hoạt động xã hội của NCT có chuyển biến tích cực. Có một tỷ lệ nhất định NCT đang tham gia các hoạt động xã hội, quản lý cộng đồng như phong trào khuyến học, phong trào vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, tham mưu xây dựng chính sách cho chính quyền địa phương, tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông/ lâm nghiệp, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho NCT... Bên cạnh đó, nhiều NCT cũng tham gia các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân ở địa phương...

Khẳng định vị thế "cây cao bóng cả"

Từ xu hướng chủ động đón nhận và có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho tuổi già của một bộ phận NCT, có thể thấy, chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những giải pháp để tối ưu hóa lợi ích cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực của già hóa dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam hiện nay.

Chính vì thế, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những thay đổi trong quan điểm đối với công tác chăm sóc NCT. Thay vì chỉ đơn thuần chăm sóc, bảo vệ và trợ giúp NCT, hiện nay, các chính sách hướng tới việc hỗ trợ, thúc đẩy nhận thức của NCT về quyền lợi và trách nhiệm của mình, để từ đó giúp họ chủ động và tích cực sống vui, sống khỏe và sống có ích. Cụ thể, Quyết định số 1336/QĐ-TTg/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 chỉ rõ, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi. Theo đó, mỗi câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 70% là NCT, 30% là các đối tượng trẻ tuổi hơn và có điều kiện kinh tế khá giả. Mô hình nhằm thực hiện 2 mục tiêu: Tạo cơ hội cho NCT được cải thiện đời sống, giúp NCT tăng cường vai trò và sự đóng góp của họ trong cải thiện sức khỏe, thu nhập và phát triển ở địa phương. Nghị định 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 quy định kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công tác nghiên cứu có năng lực (chuyên gia cao cấp, có học vị tiến sĩ, có tài năng được thừa nhận). Nghị định số 141/NĐ-CP/2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục đại học về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc... Những chính sách này đều đánh giá cao năng lực làm việc của NCT có trình độ.

Việc mở rộng chính sách, khuyến khích những NCT có khả năng và nhu cầu tiếp tục làm việc là cần thiết trong bối cảnh quá trình già hóa của dân số nước ta đang diễn ra rất nhanh. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn, mà còn động viên NCT sống vui, sống khỏe, giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao; quan trọng hơn, giúp NCT tự xây dựng cho mình những phương thức an sinh hiệu quả, từ đó đảm bảo cuộc sống ngày một tốt hơn và trong một chừng mực nào đó còn tham gia đóng góp cho sự phát triển của xã hội...

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, khẳng định: “Phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng cũng là một trong những chính sách nhằm ứng phó với già hóa dân số. Phát huy vai trò của NCT tại cộng đồng sẽ giúp thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và NCT, theo đó, NCT được nhìn nhận không phải từ góc độ đối tượng nhận trợ cấp xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội và là chủ thể quan trọng của xã hội. Muốn vậy, cần phải tạo điều kiện cho NCT làm chủ cuộc đời mình chứ không phụ thuộc, không phó mặc cho con cháu hay cho xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động để thích ứng với Già hóa dân số: Để tuổi già thêm hạnh phúc, ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.