Kinh tế

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế hàng đầu

Hồng Sơn 02/07/2024 - 17:07

6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực. Thực tế này khẳng định các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thu được hiệu quả tích cực.

Yêu cầu đặt ra là tiếp tục phát huy những giải pháp phù hợp, linh hoạt và nhất quán trong hành động, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất cho năm kế hoạch 2024.

29-4-sxcn.jpg
Ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Những số liệu “ấm dần lên”

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2023. Chính vì tăng trưởng mạnh trong quý II, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia tăng trưởng hàng đầu khu vực. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023 và đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng nữa trong 6 tháng đầu năm 2024 là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm 2023. Điều đó phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước phục hồi rõ nét ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ, xuất khẩu. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%. Cán cân thương mại xuất siêu 11,63 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).

Một số liệu nữa cho thấy tín hiệu lạc quan của nền kinh tế là vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Như vậy, lượng vốn ngoại kết hợp với vốn đầu tư trong nước, từng bước chuyển thành năng lực sản xuất mới, trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả khả quan của kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 là hiệu quả của hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Đáng chú ý là việc bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; là các chính sách tài khóa miễn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...

Chủ động các giải pháp

6 tháng cuối năm 2024 được các chuyên gia nhận định sẽ có một số thuận lợi cho tăng trưởng, đến từ lĩnh vực du lịch, tiêu dùng trong nước khi được hậu thuẫn bởi chính sách giảm thuế VAT. 40,7% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo lạc quan dự báo tình hình sẽ tốt hơn trong quý III. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng thế giới cũng dần hồi phục vào những tháng cuối năm, tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu.

Song, thách thức, bất lợi khó lường cũng có thể xuất hiện. Đó là, hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; biến động của tỷ giá USD; tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu của doanh nghiệp; diễn biến bất định của thị trường nhiên liệu quốc tế...

Trước tình hình đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, sẵn sàng phản ứng chính sách linh hoạt, kiên định các giải pháp đã đề ra để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đi đôi với nghiên cứu các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn" và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân và có nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm, từ đó dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Liên quan đến vấn đề này, các bộ, ngành cũng duy trì đoàn công tác tháo gỡ vướng mắc tại các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng kiến nghị 6 giải pháp, trong đó lưu ý đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...

Tất cả nhằm hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cận trên của chỉ tiêu Quốc hội giao (6-6,5%).

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga:
Sản xuất công nghiệp đạt một số điểm tích cực

phithihuongnga.jpg

Có thể nhận định, sản xuất công nghiệp đã tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 và vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021 và 2022. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn bình quân chung (tăng 8,5%) với xu hướng rõ nét hơn, trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 1,8%. Đặc biệt, lượng tồn kho sản phẩm giảm, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 10,8%)...

Ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước tăng 0,8%) góp phần đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm:
Làm tốt việc kiểm soát lạm phát

nguyenbichlam.jpg

Kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh chỉ số giá đứng trước áp lực gia tăng.

Trong 6 tháng cuối năm, cần lưu ý đến lạm phát, bảo đảm đầy đủ nguồn cung và thông suốt hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng, dầu và các mặt hàng chiến lược. Theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành chủ động nhằm hạn chế tăng giá. Điều chỉnh hài hoà, hợp lý giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục. Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Với kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ, cùng với tổng cầu tiêu dùng còn thấp, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%-4,5% là khả thi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân:
Cần tăng cường chuyển đổi số

anhvanhansiba.jpg

Cần tăng cường ứng dụng việc chuyển đổi số, đẩy mạnh số hóa dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp.

Nhìn lại 6 tháng qua, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, khá ấn tượng. Nhìn chung, các cân đối vĩ mô đều bảo đảm, tạo ra sự an tâm về tâm lý xã hội. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện sự lo ngại về mức độ lạm phát, tuy chưa vượt tầm kiểm soát nhưng cũng gợi nhắc yêu cầu tập trung ứng phó, tìm cách kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, liên quan đến đời sống xã hội, nhất là mục tiêu bảo đảm an sinh.

Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng biện pháp phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng tăng giá khi tăng lương. Riêng cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung phát huy năng lực đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực về vốn, công nghệ nhằm cùng Chính phủ nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế...

Hồng Sơn - Thanh Hiền ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.