Theo dõi Báo Hànộimới trên

Internet trở thành hạ tầng số của nền kinh tế số Việt Nam

Châu Anh| 07/12/2022 10:57

(HNMO) - Chương trình 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet 2022 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp cùng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Câu lạc bộ Điện toán Đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam (VNCDC) tổ chức hôm nay, 7-12, tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhằm đóng góp các nội dung về tương lai bền vững cho Internet Việt Nam cùng những nhận định cơ hội, định hình và hướng tới tương lai của Internet Việt Nam trong thời kỳ tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Ngày Internet Việt Nam 2022.

Tại sự kiện, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, sau 25 năm, internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã có 72,1 triệu người Việt Nam dùng internet, đạt tỷ lệ 73,2% dân số sử dụng internet, đứng thứ 13 trên thế giới.

Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, đạt tỷ lệ 74,3% dân số…

“Với những tính năng ưu việt của internet, Việt Nam đã phát triển khá toàn diện. Có thể thấy, internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và sự đổi mới. Điều nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên internet đem lại những sự thay đổi có thể coi là thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức... cho Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết.

Nhấn mạnh về vai trò của internet với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, nghĩa là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia Chương trình 25 năm Internet Việt Nam và Ngày Internet 2022 cùng bật đèn trên điện thoại chứng kiến các nhà mạng cam kết Vì tương lai bền vững Internet Việt Nam.

Thế giới đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng internet để quản lý xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Internet Vietnam đến năm 2025 sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn với mục tiêu: “Đến năm 2025: Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; Năm 2030: Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ. Người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu không có hạ tầng số, sẽ không có chủ quyền số.

Vì vậy, trách nhiệm của ngành Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần bắt tay thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng hạ tầng internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn; thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu; dẫn dắt quá trình tích hợp internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ cùng thực hiện nghi thức cam kết Vì tương lai bền vững Internet Việt Nam.

Tại phần thảo luận chủ đề phiên toàn thể buổi sáng “25 Năm Internet Việt Nam và Tương lai bền vững cho Hệ sinh thái Internet Việt Nam”, ngoài báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam do lãnh đạo Trung tâm Internet Việt Nam trình bày, còn có các chia sẻ về tương lai internet của các chuyên gia đến từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Phần tham luận của hai tập đoàn, cũng là hai nhà cung cấp dịch vụ internet lớn trong nước, là Viettel và VNPT gây sự chú ý tại sự kiện. Trong đó,  ông Nguyễn Danh Thành, Giám đốc sản phẩm chiến lược, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) chia sẻ về “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho thành phố thông minh”; ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Công nghệ thông tin VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) tham luận về “Nhà mạng viễn thông với hệ sinh thái IoT”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Internet trở thành hạ tầng số của nền kinh tế số Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.