Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU sớm xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA để hiện thực hóa những cam kết của hai bên đối với thương mại tự do và đầu tư.
Sáng 5-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách Đối ngoại và An ninh.
Chủ tịch Quốc hội chào mừng bà Federica Mogherini lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam đồng thời bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU thời gian qua.
Hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); triển khai các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp nhằm triển khai Hiệp định Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA), Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU; phê chuẩn và đưa vào triển khai ngay sau khi có hiệu lực Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên minh châu Âu là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tiếp theo việc thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào tháng 6-2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xem xét, thông qua hai Công ước số 108 và 87 của ILO, Bộ luật Lao động sửa đổi.
Điều này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn lao động được nêu trong EVFTA, cũng như thực hiện các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên ILO.
Bày tỏ lạc quan về triển vọng quan hệ Việt Nam-EU thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU sớm xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA để hiện thực hóa những cam kết của hai bên đối với thương mại tự do và đầu tư với những lợi ích chiến lược cho cả Việt Nam và EU.
Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã yêu cầu Chính phủ hoàn tất thủ tục để Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định này vào tháng 10 tới.
Bà Federica Mogherini cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, trong đó vào năm 2020 sắp tới khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).
Bà Federica Mogherini cho rằng, trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã điều phối với nhau trong nhiều vấn đề, đã thể hiện lập trường của các bên.
Do đó, khi Việt Nam đảm nhận các vai trò trên sẽ là cơ hội tốt để EU và các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc...
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá việc ký kết, phê chuẩn nhiều văn bản pháp lý và tần suất cao các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong thời gian qua đã thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đồng thời, tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng...
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển.
Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.