Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam - hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo

Ngô Xuân Lộc| 16/01/2021 16:33

(HNNN) - “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là nội dung Điều 34, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, trong hơn 30 năm qua, Việt Nam trở thành hình mẫu thành công trên thế giới về xóa đói giảm nghèo và là một trong số 30 quốc gia áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn, Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về công tác này.

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

- Xin ông cho biết về kết quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020?

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội (đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN). Đặc biệt, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chú trọng tới người nghèo, lao động thiếu việc làm.

Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% vào cuối năm 2015 xuống còn 3,75% vào cuối năm 2019 và dưới 3% trong năm 2020 (đây là mức giảm nghèo đa chiều nhanh so với thế giới), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến khu vực trung tâm, 99% khu trung tâm xã và hơn 80% thôn/ bản có điện, 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, 80% thôn có đường giao thông cho xe cơ giới, trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí.

Đến hết năm 2020, hàng nghìn thôn, xã, huyện đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Nhiều huyện thoát nghèo, vươn lên thành những vùng nông thôn trù phú, khang trang như huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa)...

- Được biết, từ năm 2015 đến nay Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Vậy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được thiết kế như thế nào cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, thưa ông?

- Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông... Trên cơ sở phương pháp tiếp cận mới, các chính sách và Chương trình giảm nghèo đã từng bước được thiết kế lại nhằm tạo điều kiện để người dân nói chung, người nghèo nói riêng tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định của pháp luật. Chương trình đã hướng tới việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân, phát huy vai trò của cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến giảm nghèo bền vững do cộng đồng đề xuất, thực hiện, nhất là đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều đã tác động tích cực, toàn diện đối với người nghèo như: Hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, học bổng...

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo đa chiều ở thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” ở tỉnh Quảng Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng, xây khoảng 170 nghìn căn nhà cho hộ nghèo (giai đoạn 2016 - 2020)... Ngân sách của các địa phương đều dành phần hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng nguồn lực tài chính cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với lãi suất thấp, như đã thấy ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng...

Một hộ nghèo ở xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) được tặng bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ảnh: Ngô Nam

- Việt Nam chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu và thường xuyên hứng chịu thiên tai, bởi vậy, công cuộc giảm nghèo và chống tái nghèo còn nhiều khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn tới, ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu trên.

- Giảm nghèo là vấn đề kinh tế - xã hội lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Từ đầu năm 2020, do tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 toàn cầu, các tổ chức quốc tế cảnh báo: “Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên”. Tổ chức Oxfam ước tính, đại dịch Covid-19 khiến khoảng 8% dân số thế giới lâm vào cảnh đói nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 - 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, Việt Nam cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa.

Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tiến hành nhiều giải pháp chiến lược, mang tính lâu dài như: Nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”...

Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới; nhân rộng các chương trình, sáng kiến, mô hình hiệu quả; huy động nguồn lực toàn xã hội, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc hỗ trợ người nghèo.

Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông để tăng cơ hội giao thương; tăng cường thu hút đầu tư, tạo việc làm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cơ chế và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đến các cấp, các ngành và địa phương; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát huy tinh thần dân chủ và nội lực của người dân...

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.