(HNMO) – Hai hồ sơ của Việt Nam bao gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường Phúc Giang (Hà Tĩnh) đã được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.
Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương) trong phiên họp chiều 19/5 |
Chiều 19/5, tại Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) hai hồ sơ xin danh hiệu Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được 100% số thành viên các nước thành viên bỏ phiếu tán thành. Hai hồ sơ đó là: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường Phúc Giang (Hà Tĩnh).
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bài thơ, văn, câu đối… được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men… trên các công trình thuộc kinh đô Huế giai đoạn 1802- 1945. Hầu hết, tác giả của phần thơ, văn, câu đối… này là các vị hoàng đế, thân vương, quan lại của vương triều Nguyễn. Dù chịu ảnh hưởng của chiến tranh và các biến cố lịch sử, hệ thống này hiện vẫn còn khá đồ sộ với gần 3000 ô thơ chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô học, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Qua nghiên cứu, các ô thơ văn này đều ở tình trạng nguyên bản và chưa hề bị can thiệp về chất liệu, họa tiết cũng như nội dung.
Bên cạnh đó, Mộc bản trường Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) với gần 400 bản khắc chữ Hán - Nôm ngược, dùng để in tài liệu phục vụ cho hoạt động văn hóa và giáo dục và được chế tác trong thời gian từ 1758- 1788. Hiện tại, kho mộc bản này đang được cất giữ tại Phúc Giang thư viện của dòng họ Nguyễn Huy, đặt tại làng cổ Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Hệ thống mộc bản này được biên soạn và tổ chức chế tác bởi các học giả của dòng họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…4 học giả trong số này đều có thời gian tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám nên đã tổ chức biên soạn các sách kinh điển của Nho gia kết hợp với sự hiểu biết của mình để làm tư liệu giảng dạy.
Trước đó, Việt Nam đang có 4 di sản nhận danh hiệu này, bao gồm Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.