Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp

Thu Trang| 14/10/2020 17:47

(HNMO) - Chiều 14-10, tại Hà Nội, Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu thông tin về chương trình trực tuyến Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 được tổ chức trong 2 ngày 16 và 17-10 tại 3 điểm cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh họp báo chiều 14-10.

Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Thậm chí, số bệnh nhân mắc bệnh tích lũy ngày một nhiều. Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp chủ yếu ở độ tuổi từ 60-70 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm đến 20% trong tổng số các trường hợp bị tăng huyết áp. Đặc biệt, bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày được phát hiện nhiều ở lứa tuổi từ 25-40. Những lý do phổ biến khiến bệnh lý tim mạch gia tăng ở người trẻ, đó là lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, bị áp lực về tâm lý.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, hiện vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Vì vậy, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 mong muốn truyền thông một cách trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức và hiểu biết đề phòng và tránh bệnh lý hết sức nguy hiểm này.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 với chủ đề "Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Biến thách thức thành cơ hội" chuyển sang hình thức trực tuyến. Đại hội dự kiến sẽ kết nối tới hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước, 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế thông qua 108 báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.

"Đây sẽ là một cơ hội vô cùng quý báu nhằm liên tục trao đổi, cập nhật và đào tạo những kiến thức chuyên môn mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng, chống các bệnh lý tim mạch để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng trên khắp cả nước", PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.