Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện Kinh tế Xanh cùng Vạn Thịnh Phát và Medi Hub đồng hành nghiên cứu phát triển mô hình y tế cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh

Diễm Phương| 04/05/2022 07:06

Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, góp phần xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, chuyên môn cao tại địa phương, luôn chủ động trong mọi tình huống, thiên tai, dịch bệnh… để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam, Viện Kinh tế Xanh đã đề xuất và chủ trì thực hiện sáng kiến “Nâng cao chất lượng y tế cộng đồng” và đã kết nối thành công các đối tác là Công ty Bảo trợ Vạn Thịnh Phát và Medi Hub (Nhật Bản) cùng tham gia tài trợ nghiên cứu mô hình thí điểm tại 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Vạn Thịnh Phát là đơn vị bảo trợ về tài chính, còn Medi Hub là đơn vị cung cấp giải pháp, chuyển giao công nghệ.

Hệ thống y tế cơ sở là "người gác cổng", là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn chống đại dịch Covid-19 vừa qua đã chỉ ra nhiều bất cập của hệ thống y tế cộng đồng này. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã nhận xét, hệ thống y tế cộng đồng từ trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã trong điều trị còn thiếu về nhân sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Những thiếu hụt về nguồn lực trên cộng với tâm lý “xem thường” y tế cơ sở, luôn lựa chọn tuyến trên để khám chữa bệnh của một bộ phận người dân đã khiến năng lực y tế cộng đồng càng thêm yếu.

Trước thực trạng đó, để góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở, Viện Kinh tế Xanh đã đề xướng và chủ trì sáng kiến “Nâng cao chất lượng y tế cộng đồng”. Chương trình đã nhận được sự đồng hành kịp thời của Công ty Bảo trợ Vạn Thịnh Phát và Medi Hub. Ba đơn vị này sẽ cùng hợp lực để nghiên cứu triển khai mô hình thí điểm của dự án này tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn, sáng kiến còn tập trung nguồn lực đầu tư tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã nhằm giúp các trung tâm này có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện, góp phần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện.

Ông Hidetoyo Teranishi - CEO Công ty Medi Hub (Nhật Bản).

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng của cơ sở y tế, khắc phục khó khăn về thiếu nhân lực, ông Hidetoyo Teranishi - CEO Công ty Medi Hub cho biết: “Nếu nhân viên y tế và trạm nhỏ có hệ thống chuẩn hóa phác đồ điều trị online bằng phần mềm, thì chính cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bệnh án điện tử sẽ giúp nhân viên có thể sàng lọc ngay các ca bệnh khẩn cấp hay bệnh nhẹ, hoặc kết nối tức thời tới hàng nghìn bác sĩ. Đó là sự hỗ trợ đắc lực nhất để những trạm y tế có ít nhân viên vẫn có thể vận hành hiệu quả dù ở xa các bệnh viện trung ương, tuyến đầu”.

Được thành lập năm 2014 tại Nhật Bản với sứ mệnh “kết nối thế giới và tạo ra một tương lai khỏe mạnh”, nâng cao sức khỏe cộng đồng qua chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Medi Hub đã phát triển ra khắp châu Á với hơn 500 khách hàng, đối tác là các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhà an dưỡng cao cấp... “Medi Hub sẵn sàng kết nối các nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực chuyên môn từ hàng trăm nghìn bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Nhật Bản cùng với đối tác Việt Nam xây dựng mô hình này”, ông Teranishi chia sẻ.

Ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh.

Ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh nhận định cách làm phối hợp này là giải pháp tiềm năng: “Y tế cộng đồng phải luôn sẵn sàng để phản ứng với tình trạng khẩn cấp, và Nhà nước có thể trưng dụng trạm ngay khi cần thiết. Còn trong các giai đoạn thông thường, trạm y tế có thể cho tư nhân đấu thầu cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Nếu có năng lực và hệ thống quản lý tốt hơn, trạm y tế cộng đồng sẽ giúp giảm áp lực, “chia lửa” khám, chữa bệnh mà hiện nay các bệnh viện lớn phải vất vả xoay sở hằng ngày”.

Bà Trương Huệ Vân - Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - tham gia chống dịch Covid-19 cùng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Trương Huệ Vân, Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn vị đã đồng hành mạnh mẽ cùng với Nhà nước trong công tác chống dịch, lý giải nguyên nhân bà chọn tham gia sáng kiến này: “Trong tâm dịch Covid-19, Chính phủ đã từng vận động tinh thần “mỗi phường, xã là một pháo đài”. Tôi tin sáng kiến mà Viện Kinh tế Xanh đang đề xuất là một nội dung không thể tách rời của ý chí này. Khi chúng ta có thể củng cố được hệ thống y tế cộng đồng địa phương, đồng nghĩa chúng ta đã xây được “tường lửa” bảo vệ sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như góp phần vào công cuộc phát triển đất nước thông qua việc đầu tư đúng đắn vào các hạ tầng xã hội qua phương thức hợp tác công tư”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viện Kinh tế Xanh cùng Vạn Thịnh Phát và Medi Hub đồng hành nghiên cứu phát triển mô hình y tế cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.