(HNM) - Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đợt thi đầu tiên này có khoảng 740.000 hồ sơ thi, chiếm khoảng một nửa trong số 1,3 đến 1,4 triệu hồ sơ dự thi vào các trường đại học và cao đẳng trong cả nước.
Nhưng cũng thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất chỉ ở mức 580.000, nghĩa là sau kỳ thi này, có ít nhất 600.000 đến 900.000 người không trúng tuyển. Số không trúng tuyển nhiều hơn số trúng tuyển, đấy là lý do khiến kỳ thi trở thành "trường văn trận bút" có phần căng thẳng. Từ đây nảy ra nhiều tiêu cực, nếu như không thay đổi từ quan niệm bằng cấp quá nặng nề lâu nay, từ cơ cấu giáo dục phải đào tạo cân đối cả thầy và thợ, từ sự tôn trọng của xã hội với người lao động và cả ngay ở đạo đức nghề nghiệp của những người làm nghề giáo dục.
Những ngày thi đại học đã trở thành những ngày không bình thường, vì đột xuất, các thành phố trong cả nước, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải giải quyết việc đi lại, ăn ở, thi cử cho gần một triệu rưỡi con người. Đột xuất tăng thêm một lượng người lớn như vậy, các lực lượng công an, giao thông, quản lý thị trường, các trường đại học, cao đẳng và hàng vạn hộ dân phải thông cảm, nhường nhịn, chăm lo, hết lòng vì nhiệm vụ hằng tuần liền để có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, không sai sót trong khi cuộc sống ở thành phố vẫn bình yên, nghĩa là bình thường như mọi ngày. Cũng phải kể đến phong trào "Tiếp sức mùa thi" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động đã được hàng chục vạn bạn trẻ khắp cả nước hưởng ứng. Vào những ngày này, màu áo xanh của đội ngũ thanh niên tình nguyện xuất hiện ở đâu, người ta thấy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, tinh thần "một người vì mọi người, mọi người vì một người" của phong trào đoàn thể hiện ở đấy.
Nhưng dù có cố gắng đến đâu, xã hội cũng chỉ có thể chia sẻ phần nào những khó khăn của thí sinh và gia đình thí sinh. Họ càng không thể đóng vai trò quyết định tới chất lượng cũng như sự minh bạch của kỳ thi. Việc giảm tiêu cực trong các kỳ thi là đạo lý, là lẽ công bằng phải được đề cao và người quyết định điều đó phải là thí sinh và những người làm nghề giáo dục trực tiếp hay gián tiếp tham gia kỳ thi. Với những lình xình trong giáo dục những năm gần đây, xã hội có quyền đòi hỏi trong kỳ thi này, tiêu cực sẽ được giảm bớt để chí ít ra, những tiêu cực ngang nhiên, trắng trợn, có tổ chức như ở Đồi Ngô vừa qua cũng chỉ là chuyện đơn lẻ... Và chỉ có như vậy mới không phụ công những gì hàng vạn người đã làm để "Tiếp sức mùa thi" thời gian qua.
Để theo đuổi việc học hành của con em cho tới ngày có thể cắp sách đi thi, không nói đâu xa, chỉ riêng lo cho con em tham gia được kỳ thi này, nhiều gia đình đã phải chi một số tiền rất lớn, nhiều khi đến nghèo kiệt. Biết thực lực mới quan trọng nhưng không thể chỉ thực lực khi bằng cấp vẫn được coi là quan trọng nhất. Giáo dục không thể tách rời sự chuyển biến đồng bộ về đạo đức, văn hóa của cả xã hội. Vẫn biết đó là những điều rất khó và thay đổi được điều đó không dễ trong ngày một ngày hai. Nhưng dù sao thì cũng phải làm và hãy làm ngay trong mùa thi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.