(HNM) - Cứ mỗi dịp tiếng trống khai trường vang lên, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông học đường ở Hà Nội lại thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng và dư luận. Làm thế nào để cổng trường an toàn, không xảy ra ùn tắc? Làm thế nào để học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông? Đây thực sự là trăn trở của không chỉ học sinh, phụ huynh mà còn của cả xã hội, nhất là trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng.
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông học đường luôn được các cấp, ngành của thành phố quan tâm, chỉ đạo. Điều này được thể hiện rõ qua việc nhiều trường tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông trong cả tiết học chính khóa và ngoại khóa. Các trường học cũng đưa nội dung chấp hành an toàn giao thông vào đánh giá thi đua của học sinh; lực lượng Cảnh sát giao thông mở các chuyên đề tuyên truyền, xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi và học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm…
Thông qua những giải pháp trên, công tác bảo đảm an toàn giao thông học đường trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đã hạn chế rất nhiều các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại. Đó là không khó để bắt gặp cảnh học sinh chen chúc, lưu thông lộn xộn trước cổng trường sau giờ tan học. Bên cạnh đó là tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều học sinh trên đường về còn đi xe dàn hàng hai, hàng ba trò chuyện, quên cả sự nguy hiểm đối với mình và những người cùng tham gia giao thông.
Ngay trước thềm năm học mới, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3680/UBND-ĐT, trong đó chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương thực hiện Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường (tháng 9-2019). Tuy vậy, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường không chỉ diễn ra trong một tháng, mà đây là điểm khởi đầu quan trọng để trở thành việc làm thường xuyên, liên tục.
Để làm tốt công tác này, vấn đề cần quan tâm, thực hiện nhất hiện nay là tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi học sinh. Muốn vậy, giải pháp cốt lõi vẫn là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cập nhật, lưu giữ thông tin những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật giao thông, duy trì thông báo định kỳ danh sách này đến nhà trường để cùng phối hợp quản lý, giáo dục.
Với các nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, sát với tâm lý, lứa tuổi của học sinh, sinh viên.
Ở góc độ gia đình, nhất là các bậc phụ huynh phải gương mẫu thực hiện nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; đồng thời tích cực giáo dục, nhắc nhở, hướng dẫn con em mình chấp hành. Trong đó, những việc các bậc làm cha, làm mẹ cần lưu ý là kiên quyết yêu cầu con em mình đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện; không cho sử dụng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi (xe có dung tích xi lanh trên 50cm3)...
Xây dựng, hình thành cho học sinh thói quen, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông sẽ góp phần tạo dựng môi trường giao thông an toàn cho cả cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.