Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm cho thanh niên nông thôn: Chính sách chưa vào cuộc sống

Lâm Vũ| 17/08/2013 07:30

(HNM) - Sức khỏe dồi dào, có trí tuệ và khả năng sáng tạo cao, giàu khát vọng, hoài bão, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vậy mà...

Việc làm không ổn định, thu nhập thấp

Trong số 633 thanh niên tham gia khảo sát về tình trạng việc làm, ngoại trừ 39,2% đang học tập, học nghề, chỉ có 25% số được hỏi khẳng định mình có việc làm ổn định. Số thanh niên có việc làm thời vụ, lúc có việc lúc không, ai thuê thì làm… và chưa có việc làm chiếm tới 35,8%.

Học nghề làm gốm tại Phù Lãng (Bắc Ninh).Ảnh: Bảo Lâm



Các nhà nghiên cứu tham gia thực hiện khảo sát nói trên đưa ra nhận định rằng, loại việc mà thanh niên nông thôn làm nhiều nhất vẫn là nông nghiệp (55,4%). Chỉ có 11,1% làm trong các cơ quan nhà nước, 9,5% làm công nhân và 1,9% làm kinh doanh. Như vậy, thực tế cho thấy ngoài một tỷ lệ khá cao thanh niên nông thôn chưa có việc làm, số còn lại tuy đã có việc nhưng chủ yếu là lao động thủ công, trực tiếp. Đặc điểm việc làm nói trên khiến thu nhập của thanh niên nông thôn ở mức tương đối thấp, 39,6% số được hỏi có thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng, 31,5% thu dưới 1 triệu đồng. Trong điều kiện giá cả sinh hoạt leo thang như hiện nay, mức thu nhập nói trên khó có thể đáp ứng được nhu cầu thường xuyên của họ, chưa nói tới trường hợp ốm đau hay cần phải giúp đỡ cha mẹ già, con cái.

Một phó bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ (Thái Bình) chia sẻ với nhóm khảo sát: "Hiện nay, mức thu nhập của thanh niên rất thấp. Kể cả các em đang làm nông nghiệp tại địa phương hay đi làm công nhân trong các khu công nghiệp thì mức thu nhập cũng chỉ từ 1 triệu đến hơn 1 triệu đồng/tháng". 61,4% thanh niên nông thôn cho biết, mức thu nhập của họ không đủ cho đáp ứng yêu cầu cuộc sống của bản thân, chỉ có 4,8% thanh niên nói rằng thu nhập của họ đủ để chi tiêu thoải mái.

Công việc giản đơn, cho thu nhập thấp là thế nhưng chuyện tìm kiếm việc làm của nhiều người không dễ dàng. Kết quả điều tra cho thấy, gần một nửa số được hỏi, nói rằng họ đã phải chờ việc từ 1 đến 2 tháng, 22,5% phải chờ từ một năm trở lên mới có việc.

Muốn "nhảy việc" cũng khó

Sự hứng thú với công việc cũng như tâm lý hài lòng với phần việc mình đang làm là những yếu tố quan trọng cần có. Đây là động lực thúc đẩy người lao động làm việc tích cực, chủ động, làm tăng tính sáng tạo, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa cho thấy điểm sáng của bức tranh, bởi có tới 65,8% số người được hỏi có ý định tìm kiếm một công việc khác. Lý do chủ yếu được nhiều người đưa ra là vì thu nhập từ công việc hiện tại quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống. Thực tế trên đặt ra yêu cầu nâng cao mức thu nhập cho thanh niên nông thôn, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.

Tuy nhiên, để có được một công việc tốt, thu nhập cao thì người lao động phải có tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp vững chắc, được đào tạo bài bản. Đây là yêu cầu mà không nhiều thanh niên nông thôn có thể đáp ứng được, bởi thế mà nhiều người khó tìm việc ổn định, thu nhập thấp. Mà "thất thu" thì không thể tạo lập được cuộc sống ổn định, không yên tâm gắn bó với công việc của mình và muốn tìm việc khác. Đó là vòng luẩn quẩn mà thanh niên nông thôn gặp phải, không dễ thoát ra nếu không có sự trợ giúp của xã hội và gia đình.

Theo ý kiến chung, thanh niên nông thôn hiện rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ có thể phát huy khả năng và sức trẻ. Trong những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách liên quan đến vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, như Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với mục tiêu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn; Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015… Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, mới chỉ 43,9% thanh niên có biết đến các chính sách hỗ trợ về việc làm, học nghề của các tổ chức đoàn thể và chính quyền.

Số lượng thanh niên nông thôn hiện nay vào khoảng 17 triệu người, chiếm 1/5 dân số của cả nước. Quan tâm đến việc làm cho thanh niên nông thôn là việc làm cần thiết và cấp bách bởi lẽ chính họ là một phần tương lai đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cho thanh niên nông thôn: Chính sách chưa vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.