Hệ thống điện 500kV đang phải truyền tải công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam.
Trong điều kiện phải truyền tải với công suất cao (có thời điểm có đường dây hơn 1000 MW), nếu xảy ra sự cố trên một đường dây 500kV thì truyền tải trên những đường dây 500kV còn lại sẽ tăng lên tương ứng, khi đó, việc cấp điện cho miền Nam sẽ càng trở nên căng thẳng.
Thi công trạm 500kV Pleiku. (Ảnh: Mai Phương/Vietnam+) |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), xung quanh câu chuyện cấp điện cho miền Nam.
- Xin ông cho biết thực trạng cấp điện cho miền Nam trong thời gian gần đây?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện ở miền Nam liên tục tăng cao trong khi nguồn điện khu vực này chưa đáp ứng được.
Đặc biệt, từ đầu năm 2016, miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam hạn hán xảy ra nghiêm trọng và kéo dài khiến nhiều nhà máy thủy điện trong khu vực phải giảm công suất phát điện.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo điện cho miền Nam, hệ thống đường dây siêu cao áp 500kV luôn phải truyền tải với công suất lớn để đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam.
Nếu năm 2015, sản lượng điện truyền tải trên lưới 500kV từ miền Bắc vào miền Trung là 9 tỷ kWh, từ miền Trung vào miền Nam là 16,1 tỷ kWh thì năm 2016 dự kiến sản lượng điện truyền tải trên lưới 500kV Bắc-Trung là 13,3 tỷ kWh, tăng 47,8%; Trung-Nam là 19,2 tỷ kWh, tăng 19,3% so với năm 2015.
- Để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi phải truyền tải cao trên lưới điện 500kV từ Bắc vào Nam, EVN NPT đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Đường dây 500kV Bắc-Nam dài gần 1.500km nên để tránh các sự cố xảy ra là rất khó khăn, nhất là các sự cố vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp do thả diều, đốt nương làm rẫy...
Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2015, EVN NPT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt bản tin dự báo thời tiết.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương, trường học tuyên truyền về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, giúp người dân nắm rõ và tuân thủ theo pháp luật. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay không có sự cố nào do vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên đường dây 500kV làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Bên cạnh đó, EVN NPT đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải, quản lý kỹ thuật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật trong vận hành, tuyệt đối tuân thủ phương thức vận hành, lệnh điều độ, kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất những người thiếu trách nhiệm.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra đường dây, hành lang tuyến ngày, đêm, kiểm tra đột xuất, qua đó sớm phát hiện các nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa.
EVN NPT cũng trang bị phương tiện, dụng cụ, thiết bị và tổ chức đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cho đội ngũ thí nghiệm, sửa chữa đáp ứng việc tăng khối lượng quản lý cũng như ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện, đảm bảo toàn bộ lưới điện truyền tải luôn đủ tiêu chuẩn vận hành.
- Có một thực tế là cứ vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và việc đốt rừng làm nương rẫy luôn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến hệ thống đường dây cao áp đi qua. Vậy EVN NPT đã triển khai những giải pháp gì để khắc phục thực tế này, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Trước thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm quay, EVN NPT chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ đường dây 500kV, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây 220kV, 500kV để nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn lưới điện, từ đó chủ động phối hợp xử lý.
Các đơn vị truyền tải cũng tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng với tất cả các hộ có rẫy dọc hành lang đường dây 220kV, 500kV và ký biên bản phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng với Hạt Kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua.
Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, phát dọn sát gốc các mầm cây tạp, le, lau, lách và di chuyển thực bì ra khỏi hành lang tuyến. Hay chặt sát gốc hoặc tỉa cành đối với cây cao có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây.
Chúng tôi cũng chủ động tuyên truyền để thực hiện đền bù giải tỏa cây cao có khả năng ảnh hưởng đến vận hành an toàn đường dây trước mùa mưa bão. Đồng thời phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng với các lâm trường, kiểm lâm, chủ rừng. Tổ chức thực hiện các phóng sự về an toàn hành lang lưới điện cao áp để phát sóng trên các Đài truyền hình Trung ương, địa phương.
Mặt khác, in phát các tờ rơi, chủ động nhiều giải pháp nhằm tiếp cận với đồng bào vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho nhân dân tránh vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp.
- Việc đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của EVN NPT mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng các địa phương có đường dây cao áp đi qua. Vậy ông có khuyến cáo gì tới người dân và chính quyền địa phương để giảm sự cố trên hệ thống truyền tải điện?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, tại Điều 4 đã quy định cụ thể 13 hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp bị nghiêm cấm.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện truyền tải, ngoài nỗ lực của ngành điện, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng và các địa phương đối với việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Người dân cũng cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Pháp luật liên quan đến hành lang an toàn lưới điện, hiểu rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản khi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: không đốt rẫy, thả diều, vật bay gây sự cố đường dây truyền tải điện.
Tôi cho rằng việc quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, địa phương có đường dây truyền tải đi qua cùng nhận thức của cộng đồng được nâng cao trong công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp sẽ trợ giúp Tổng công ty đảm bảo cung cấp điện liên tục, tin cậy và an toàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.