Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị tướng lỗi lạc của thời đại Hồ Chí Minh

Hiền Phương| 01/10/2014 06:24

(HNM) -

Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên trái) tại Sở Chỉ huy mặt trận Quảng Trị năm 1972.


Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1-10-1914 tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống, từ năm 1944, ông tham gia Việt Minh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là đơn vị đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954. Và cũng dưới sự chỉ huy của ông, ngày 7-5-1954, những "người lính cụ Hồ" đã đánh thẳng vào khu vực trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cát và Bộ Tham mưu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân phía Đông chỉ huy đơn vị đầu tiên tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt sống và buộc nội các Dương Văn Minh đầu hàng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: "Với hai lần chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần Anh hùng".

Gần nửa thế kỷ tham gia cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã phát huy được những phẩm cách cao đẹp của các tướng lĩnh Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, trở thành một trong những vị tướng "dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán". Ở Đại tướng, những phẩm chất này đã ngấm sâu, hòa với lòng trung thành với Đảng, với dân tộc và trở thành nét riêng của ông. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với các chiến thắng: Việt Bắc, Sông Thao, Biên giới, Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp; các chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, Đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ; gắn liền với thắng lợi của chiến tranh ở biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc. Trong cuộc đời cầm quân, Đại tướng Lê Trọng Tấn từng đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: "Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc. Ông luôn có mặt ở những chiến trường gai góc, ác liệt và nóng bỏng nhất. Ông có khả năng làm xoay chuyển cục diện trận đánh, trăm trận trăm thắng". Nhiều nhà khoa học quân sự ở các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật quân sự. Còn các cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi ông là "Giu-cốp của Việt Nam", một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, sự thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của ông. Đánh giá về sự đóng góp của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Đại tướng là một cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và lực lượng vũ trang. Đặc biệt, trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới. Đại tướng là một nhà lãnh đạo, chỉ huy tài năng, cương trực, quyết đoán, "trí - dũng - nhân - chính - liêm - trung", một trong những tướng lĩnh Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời mình, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân. Ông chính là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng tài năng, lỗi lạc của quân đội ta; một cán bộ tài - đức vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng. Những cống hiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân là hết sức to lớn. Trung tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu - người có nhiều năm gắn bó, làm việc với Đại tướng cho biết: "Đồng chí Lê Trọng Tấn là một nhà lãnh đạo, chỉ huy tài năng, cương trực và quyết đoán. Trong tác chiến, đồng chí luôn nhắc chúng tôi chú ý đến cách đánh sao cho bất ngờ, hiệu quả. Chính những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí mà chúng tôi thấy mình phải nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo hơn nữa trong quá trình công tác sau này".

Ngày 5-12-1986, Đại tướng Lê Trọng Tấn từ trần. Sự ra đi của Đại tướng là một tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Cả cuộc đời mình, Đại tướng đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đóng góp lớn trong phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đạo đức cách mạng trong sáng cùng những công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, quân đội là tài sản
vô giá.

Ngày 30-9, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã khai mạc triển lãm "Đại tướng Lê Trọng Tấn - Cuộc đời và sự nghiệp". Đây là hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 - 1/10/2014).

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu với 5 đề mục: Quê hương và tuổi thơ; Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975); Đại tướng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986); Đại tướng trong lòng đồng đội và bạn bè quốc tế. Triển lãm khắc họa một cách khái quát cuộc đời, sự nghiệp của một vị tướng trận mạc tài ba, luôn có mặt ở những trận địa nóng bỏng nhất - người đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang. Thông qua triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.


Nguyên Hoa


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị tướng lỗi lạc của thời đại Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.