Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao xăng dầu khó giảm giá?

Hồng Sơn - Duy Quảng| 08/08/2011 06:58

(HNM) - Hoạt động kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay diễn ra không mấy suôn sẻ trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, tác động mạnh đến mặt bằng giá trong nước.


Gần đây, người tiêu dùng mong mỏi sẽ có sự giảm giá xăng dầu để chia sẻ gánh nặng chi phí thường nhật, nhưng điều này lại chưa xảy ra. Có nhiều nguyên nhân khiến cho Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- đơn vị chiếm thị phần lớn nhất cả nước chưa thể giảm giá, bởi doanh nghiệp (DN) này đang rơi vào cảnh lúng túng trong điều hành kinh doanh…

Mua xăng tại cây xăng Nam Đồng.Ảnh: Hồ Ý


Tại cuộc họp giao ban tháng 7 của Bộ Công thương, bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, trong tháng 6 hoàn toàn có khả năng giảm giá xăng dầu, nhưng không thể giảm được vì DN gặp nhiều lúng túng trong việc xử lý những tồn tại cũ. Căn nguyên là để thực hiện mục tiêu giữ ổn định cung - cầu, nên một thời gian dài giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh theo yêu cầu bám sát với thực tế, DN bị lỗ và bị động trong điều hành. Đây gần như là đặc thù trong hoạt động kinh doanh của Petrolimex nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, đến nay có hơn 80% lượng xăng dầu của Petrolimex phải nhập khẩu, DN phải thường xuyên cần có ngoại tệ để phục vụ hoạt động này. Tuy nhiên, khi nhập xăng dầu về bán trong nước (thu VND) khi muốn qui đổi sang ngoại tệ với ngân hàng để thanh toán cho nhà xuất khẩu nước ngoài thì ở nhiều thời điểm ngân hàng không đáp ứng đủ ngoại tệ theo yêu cầu. Từ đầu năm đến nay, Petrolimex đã "tồn kho" gần 2.000 tỷ đồng chưa thể quy đổi sang ngoại tệ, gây thiệt hại kép là vừa phải chịu lãi suất vay ngân hàng, vừa không có ngoại tệ để thanh toán cho bạn hàng. Thêm nữa, theo quy định của Nghị định 84/CP, lượng dự trữ thường xuyên tại kho của DN là 30 ngày để bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng Petrolimex phải đảm nhận trách nhiệm chính trong việc bình ổn thị trường xăng dầu nên có thời điểm lượng tồn kho đến khoảng 40 ngày. Tại thị trường trong nước, khi giá xăng dầu tăng, các DN đầu mối khác đẩy mạnh bán ra và cạnh tranh mạnh với Petrolimex khiến DN đã rơi vào trạng thái bất lợi dẫn tới việc thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, những ngày đầu tháng 8-2011 thị trường xăng dầu thế giới tăng trở lại khiến các DN xăng dầu lại lỗ (vì không tăng giá bán lẻ). Theo Petrolimex, mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600 đồng, dầu diesel lỗ 400 đồng, dầu mazút cũng lỗ gần 500 đồng.

Theo công bố của Petrolimex trước khi tiến hành cổ phần hóa (tháng 7-2011), dự kiến sản lượng xăng dầu bán ra của đơn vị năm nay sẽ tăng 10% so với năm 2010. Lãnh đạo Petrolimex giải thích thêm, điều này chỉ thực hiện được khi cơ chế kinh doanh xăng dầu vận hành theo tinh thần của Nghị định 84/CP, tức là DN được phép kinh doanh xăng dầu sát với diễn biến giá thế giới. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, việc kinh doanh xăng dầu sẽ dần thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và đây là một quá trình. Thực tế thời gian qua, khi điều chỉnh giá xăng dầu trong nước đã từng bước thực hiện theo cơ chế trên và luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng - Nhà nước - DN.

Dự kiến, từ quý IV-2011 trở đi, hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ vận hành theo Nghị định 84/CP và chắc chắn đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Petrolimex cũng như những DN xăng dầu khác chủ động lựa chọn phương án kinh doanh, tiết giảm chi phí để đạt hiệu quả nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi việc nhìn nhận về lỗ, lãi của DN xăng dầu còn chưa ngã ngũ, người tiêu dùng càng cần được thỏa mãn nhu cầu nắm bắt thông tin, đòi hỏi sự minh bạch về hoạt động kinh doanh xăng dầu… Thậm chí, kết quả kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu tới đây nên được công bố kịp thời để rộng đường dư luận, bởi đến nay DN xăng dầu cho rằng, do thực hiện bình ổn giá xăng dầu liên tục nên quỹ thường xuyên "âm" và mới trở lại mức "dương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao xăng dầu khó giảm giá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.