Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao thầy và trò đều ngại?

Quỳnh Phạm| 12/10/2010 07:29

(HNM) - Vốn không phải là những ngành học hấp dẫn đối với sinh viên trong nhiều năm trở lại đây, các ngành nông, lâm, ngư nghiệp lại càng khó thu hút người học tham gia nghiên cứu khoa học. Sinh viên ngại dấn thân, việc nghiên cứu còn nhiều trở ngại, đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong dịp nhìn lại 5 năm nghiên cứu khoa học của khối ngành này.

Sinh viên nghiên cứu giống cây trồng tại Khu thí nghiệm Trường ĐH Nông nghiệp I. Ảnh: Đình Na


Không quen đến phòng thí nghiệm
Những khó khăn đối với sinh viên không nằm ngoài những gì mà công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của cả khối ngành đang gặp phải. Trong 5 năm vừa qua, tổng số kinh phí cho hoạt động KHCN của các trường là hơn 1.022 tỷ đồng, nhưng chỉ có 56 tiến bộ kỹ thuật được nhà nước công nhận. Số công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế còn quá thấp, trung bình chỉ có 0,25 bài báo/người/năm. Hầu hết các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế đều là của các nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài cùng công bố với người hướng dẫn.

Mặc dù trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y, đội ngũ cán bộ KHCN rất đông đảo, song lại thiếu cán bộ có trình độ cao (số cán bộ có trình độ sau ĐH chỉ chiếm chưa đầy 44%). Theo TS Nguyễn Hữu Thọ, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, có một nghịch lý từ lâu chưa được giải quyết: các nghiên cứu cơ bản có ý nghĩa quan trọng song có đặc thù là không tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế trong khi lại có yêu cầu cao rất khó thực hiện, vì vậy không hấp dẫn được giảng viên nghiên cứu nếu không có những chính sách ưu đãi đặc biệt. Nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn hạn hẹp, khoảng 3-5 triệu đồng/đề tài cấp cơ sở và 30-60 triệu đồng/đề tài cấp bộ. Hiện nay số lượng phòng thí nghiệm được trang bị tốt không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả giảng viên và sinh viên, hiệu quả hoạt động, sử dụng còn thấp. Hầu hết giảng viên và sinh viên đều không có thói quen đến phòng thí nghiệm hằng ngày để làm việc.

Bên cạnh đó, quỹ thời gian dành cho nghiên cứu còn hạn chế do thời gian giảng dạy chiếm quá nhiều. Ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Kinh phí hỗ trợ cho giảng viên hướng dẫn còn quá ít. Một đề tài NCKH, thầy cô hướng dẫn chỉ được bồi dưỡng tương đương 10 tiết giảng dạy (350.000 đồng). Mức thù lao này làm sao có thể tạo sự hứng thú cho người hướng dẫn! Về công tác quản lý, kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN cấp bộ được cấp chậm so với kế hoạch. Kết quả khảo sát của các trường cho thấy, 80% các đề tài phải tự bỏ kinh phí để thực hiện trong 5-7 tháng đầu sau khi đã được phê duyệt thuyết minh.

Đứng từ góc độ của ngành đào tạo thú y, PGS-TS Phạm Hồng Sơn, ĐH Nông lâm Huế cho biết: Với cơ chế quản lý hiện tại, việc đưa ra một đề cương chế tạo vắcxin để có kinh phí ngân sách trong 2 năm là một việc làm mạo hiểm. Hơn nữa, kinh phí thường xuất ra rất muộn, chưa kịp làm đã phải lo thanh toán hoàn trả ngân sách cuối năm. Vì vậy, thật không khó hiểu khi dịch tai xanh hoành hành, các nhà nghiên cứu thú y lại dường như "mũ ni che tai", chẳng ai chịu nhảy vào lĩnh vực tạo vắc xin. Để hạn chế độ mạo hiểm nghề nghiệp, người nghiên cứu cần phải tự mày mò trước cho đến khi có những kết quả bước đầu mới bắt tay vào "đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu" và sau đó nếu được chấp thuận thì lo lập "đề cương nghiên cứu" để trình lên cơ quan duyệt kinh phí. Nếu được duyệt thì cũng cần chờ đến 5 tháng sau mới có kinh phí. Vì vậy, nếu có đủ lòng say mê khoa học và đủ giàu để có tiền tiếp tục thì người nghiên cứu mới có thể đưa được đề tài đến "sản phẩm cuối cùng".

Cần có cơ chế bắt buộc
Theo đại diện của Trường ĐH Cần Thơ, hạn chế của việc gắn kết NCKH với đào tạo sau ĐH do các đề tài địa phương đặt hàng thường gắn liền với thực tế sản xuất, đòi hỏi giải quyết nhanh. Trong khi đó yêu cầu của luận án tiến sĩ phải có tính mới, bí quyết trong khoa học và thường thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, không ít đề tài luận án nặng về NCKH cơ bản không được phê duyệt. Còn theo đại diện Trường ĐH Thủy Lợi, những nguyên nhân chính của sự thiếu gắn kết giữa NCKH và đào tạo sau ĐH, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ là do chưa tạo cơ chế bắt buộc các đề tài NCKH phải gắn với đào tạo tiến sĩ. Có hiện tượng các đề tài tập trung chủ yếu vào một số chuyên gia, công tác hợp tác quốc tế trong NCKH chưa được quan tâm đúng mức, trọng tâm vẫn là thực hiện các dự án tài trợ.

Để các nhà khoa học yên tâm, tập trung vào nghiên cứu khoa học và để gắn kết việc nghiên cứu với đào tạo, nhiều đề xuất đã được các trường đưa ra. Nhiều ý kiến tập trung cho rằng để hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động KHCN, cần chuyển từ hình thức lập và duyệt dự toán theo định mức sang hình thức khoán kinh phí theo sản phẩm KHCN cuối cùng (đặt hàng sản phẩm), đơn giản mọi thủ tục hành chính, tài chính rườm rà. Còn PGS-TS Vũ Văn Liết, Trường ĐH Nông nghiệp HN cho biết: Bài học kinh nghiệm của nhà trường là ưu tiên các đề tài khoa học có liên kết với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tạo ra sản phẩm và chuyển giao sản phẩm vào thực tế, các trường ĐH, CĐ cần được ưu tiên cấp kinh phí NCKH vì nó đem lại lợi ích kép là sản phẩm khoa học và sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực. Trường nêu đề xuất công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành bắt buộc phải có sự tham gia của học viên cao học và nghiên cứu sinh. Ngoài ra, đại diện của nhiều trường đều nhất trí rằng, cần có chế tài để xử lý các cán bộ, giảng viên không tham gia NCKH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao thầy và trò đều ngại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.