Bạn đọc

Vì sao nhiều chợ xây tiền tỷ vẫn vắng khách?

Nguyên Hà 15/09/2023 - 11:59

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo, xây dựng lại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn, nhằm giúp các tiểu thương vào buôn bán tập trung. Nhưng đáng tiếc, nhiều chợ xây dựng xong vẫn vắng như "Chùa bà Đanh", không ai vào họp.

Tiền tỷ nằm “đắp chiếu”

Ngày 8-9-2023, khảo sát thực tế trên địa bàn huyện Đông Anh, phóng viên được biết, sau 20 năm đi vào sử dụng, chợ trung tâm huyện đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh do không đáp ứng đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Cũng vì không có người vào họp nên khu chợ rộng hơn 8.200m2 với thiết kế 2 tầng và 56 kiốt nằm xung quanh hành lang phía Đông, Tây hiện biến thành bãi giữ xe và kho chứa hàng hóa.

Trong khi đó, các hạng mục ngày một xuống cấp, hệ thống thoát nước thì tắc nghẽn, nhiều chỗ còn bị gãy vỡ, lún sụt, không hoạt động. Mỗi khi trời mưa xuống, nước, rác thải lại dềnh lên, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân khu vực.

9-9-2023-ddn.jpg
Người buôn bán chiếm dụng vỉa hè trước lối vào chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) để bày biện hàng hóa.

Tình trạng chợ xây dựng quy mô, hoành tráng nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân còn xuất hiện trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng…

Đơn cử như chợ Đồng Tâm, nằm trên địa bàn phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng), năm 2020, chợ được xây dựng trên diện tích 4.500m2, gồm 3 khối nhà với 370 điểm kinh doanh cùng một bãi giữ xe nằm trên tầng 1 dãy nhà B, rất thuận tiện cho việc giao thương, mua bán.

Tuy nhiên, do không phải vị trí đắc địa, cộng với giá thuê mặt bằng cao nên sau một năm đi vào hoạt động, phần lớn các kiốt, gian hàng trong khuôn viên chợ Đồng Tâm chưa được lấp đầy.

Đối lập với cảnh chợ chính đìu hiu, vắng người ra vào, phía ngoài khuôn viên chợ, xe thồ, người bán hàng rong lại ngang nhiên tụ họp nhộn nhịp.

710e5b2d1afbcfa596ea.jpg

Tương tự, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, để tạo điều kiện cho sinh hoạt cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng khả năng trao đổi, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn, từ tháng 12-2015 đến tháng 10-2016, UBND quận đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng chợ dân sinh Tây Mỗ và chợ Phú Đô. Nhưng, do thi công chậm tiến độ, nhiều lần phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp nên sau 7 năm, một số hạng mục đã xuống cấp, chưa thể khai thác.

Tiếp tục quan sát tại dự án xây dựng chợ Tây Mỗ vào ngày 9-9-2023, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, trên khuôn viên xây dựng rộng 3.600m2 ngổn ngang vật liệu xây dựng; trên các lối đi, cỏ dại mọc um tùm, cơ sở hạ tầng hoen gỉ, xuống cấp. Tuy nhiên, trên các tuyến giao thông đi qua ngõ, xóm, vẫn xuất hiện hàng trăm tiểu thương tụ họp, buôn bán trái quy định.

Tình trạng trên không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân khu vực.

Theo nội dung Báo cáo số 47/BC-UBND ngày 10-3-2023 của UBND phường Tây Mỗ, do chợ chính chưa hoạt động nên hiện tại, ở khu chợ tạm Vường Dâu có 10 hộ đang bán hàng ăn và cạnh đình Tây Mỗ còn tồn tại một chợ cóc với 50 hộ kinh doanh, buôn bán tràn đường.

“Thuốc” nào đặc trị?

Trao đổi về việc thi công, xây chợ chậm tiến độ, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng quận Nam Từ Liêm Nguyễn Duy Trinh cho biết, nguyên nhân là do hiện nay, dự án xây dựng chợ Tây Mỗ chưa được cấp đất.

Cụ thể là sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục thi công như: Xây dựng khu chợ ngoài trời (1 tầng, diện tích 240m2, có mái) và các hạng mục phụ trợ như: Tường rào, nhà để xe, trạm bơm, bể ngầm… thì thời gian thực hiện dự án hết hiệu lực. Để có cơ sở xin cấp đất, điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tiễn, trước mắt, cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Vì thế, ngày 2-3-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng quận đã có văn bản trình Phòng Quản lý đô thị và đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm thẩm định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đồng thời chấp thuận việc điều chỉnh quy mô dự án giai đoạn 2; cùng với đó, bố trí 500 triệu đồng để trả nợ xây dựng cơ bản và giúp nhà thầu có chi phí sửa chữa các hạng mục hư hỏng của công trình thi công trong giai đoạn 1.

Còn theo Phó Trưởng ban Quản lý chợ Đông Anh Lê Ngọc Dụng, nguyên nhân chợ trung tâm cũng như chợ Dâu và một số chợ dân sinh khác trên địa bàn nhiều năm hoạt động không hiệu quả là do đầu tư manh mún, vị trí bố trí các kiốt, kho hàng không phù hợp, thuận tiện, trong khi đó, giá đấu thầu lại quá cao.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Ban Quản lý chợ Đông Anh đã có báo cáo hiện trạng để Ban Quản lý đầu tư, xây dựng huyện xem xét, có phương án cải tạo, xây mới lại các chợ cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Như vậy, có thể khẳng định, việc chợ xây tiền tỷ vẫn nằm “đắp chiếu”, để hoang hóa, không người vào họp chủ yếu do quy hoạch, thiết kế địa điểm thi công chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Cùng với đó là việc thi công chậm tiến độ dẫn đến việc phải sửa chữa, điều chỉnh lại công năng đối với nhiều hạng mục công trình.

Để tránh gây lãng phí về tiền bạc, khắc phục tình trạng họp chợ trái phép chiếm dụng lòng, lề đường, các địa phương cần nhiều hơn nữa các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhiều chợ xây tiền tỷ vẫn vắng khách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.