(HNM) - Mặc dù hằng năm, TP Hồ Chí Minh chi không ít kinh phí từ ngân sách trợ giá vé cho học sinh, sinh viên đi lại bằng xe buýt, nhưng số lượng tham gia lại giảm qua từng năm. Vì sao có tình trạng như vậy?
Các cơ quan chức năng cần nỗ lực nhiều hơn để thu hút học sinh, sinh viên đi xe buýt. |
Giảm liên tục
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, năm học 2016-2017, Trung tâm đã tổ chức vận chuyển đưa đón học sinh tại các trường học của 16 quận, huyện. Thế nhưng, con số học sinh và trường học tham gia ngày càng giảm. Cụ thể, học kỳ I là 141 trường, sang học kỳ II giảm còn 134 trường; tương tự, số học sinh từ hơn 40.000 em giảm còn hơn 37.000 em. Tính trung bình trên toàn thành phố, trong năm học này chỉ có khoảng 3% học sinh sử dụng xe buýt đến trường.
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) cho biết: Trước đây, khi nhà trường được hưởng chính sách hỗ trợ 100% chi phí cho học sinh đi lại bằng xe buýt, đã có hơn 80% học sinh tham gia. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi thành phố điều chỉnh mức trợ giá, nhà trường không tổ chức được hình thức đưa đón này do học sinh đăng ký giảm mạnh qua từng năm. Năm học 2016-2017 chỉ còn lại 17 em đăng ký.
Về nguyên nhân, cơ quan chức năng cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố, xe đưa đón học sinh quá cũ kỹ, có thời gian sử dụng trên 10 năm (chiếm xấp xỉ 74%). Mặt khác, theo thống kê từ Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện số lượng học sinh học 2 buổi/ngày tăng gần 42% so với năm học 2013-2014, tức nhu cầu trợ giá 4 lượt đi về/ngày, nhưng hiện các em chỉ được hưởng trợ giá 2 lượt/ngày.
Bên cạnh đó, địa bàn đón trả học sinh xa, đặc biệt khu vực ngoại thành khiến việc đi lại bằng xe buýt rất khó khăn. Còn khu vực nội thành, tình trạng tắc đường triền miên làm cho các bậc phụ huynh không an tâm cho con đi xe buýt…
Sẽ xây dựng lại mức trợ giá
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Để đạt mục tiêu số lượng học sinh đi lại bằng xe buýt trên 15% vào năm 2020, trước hết cần thay thế và đưa vào hoạt động khoảng 1.000 xe buýt mới loại 20 chỗ ngồi.
Ngoài ra, cần tăng số lượt đưa đón học sinh có trợ giá từ 2 lượt lên 4 lượt/ngày để đáp ứng nhu cầu thực tế. Giải pháp nữa là các trường học có thể phối hợp với doanh nghiệp vận tải vận chuyển học sinh đi học và hoạt động ngoại khóa giúp bù đắp chi phí nhân công, nhiên liệu, để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, thành phố cần xem xét điều chỉnh mức trợ giá xe buýt đưa đón học sinh, sinh viên, bởi với mức giá áp dụng từ năm 2006 đến nay không còn phù hợp, khiến các doanh nghiệp vận tải không quan tâm nhiều đến việc đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho hay, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng lại mức trợ giá theo 2 phương án là trợ giá theo tuyến cố định (không theo lượt như hiện nay) và trợ giá theo quản lý học sinh thông qua thẻ thông minh. Thành phố cũng nghiên cứu thí điểm đưa xe điện và taxi hỗ trợ vận chuyển học sinh vào một số khung giờ cố định để đa dạng hóa loại hình vận chuyển công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.