Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?

Ngọc Quỳnh| 03/12/2015 06:15

(HNM) - Các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, tính liên kết và khả năng hội nhập của DN còn hạn chế, dẫn tới sức cạnh tranh kém.


Vậy đâu là giải pháp để giúp các DN hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành "bà đỡ" cho sản xuất nông nghiệp bứt phá? - Đây là nội dung hội nghị gặp gỡ DN đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố, do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 2-12.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt



Khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo ông Bùi Bá Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện toàn thành phố chỉ có khoảng 1.150 DN đầu tư vào nông nghiệp; trong đó, các DN kinh doanh chiếm 80%, còn lại... 10 DN phân phối nông phẩm. Trong quá trình hoạt động, các DN đều gặp khó khăn như: Thiếu đất sản xuất, đất kho bãi, đất xây dựng và địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm nội thành; hạn chế trong nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách quy hoạch phát triển nông nghiệp và chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Hầu hết DN chỉ biết sản xuất, chưa nhận thức được tầm quan trọng khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhận diện sản phẩm nên phần lớn vẫn chỉ làm trung gian cho những DN lớn... Trao đổi về những khó khăn của DN, ông Nguyễn Đại Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Châu (Sóc Sơn) cho biết, là một DN sản xuất và kinh doanh thịt lợn hữu cơ, từ nhiều năm nay sản phẩm của DN đã có mặt trên thị trường, nhưng do người tiêu dùng chưa phân biệt được chất lượng thịt sạch với các loại sản phẩm thông thường nên doanh số của DN chưa được như mong muốn.

Một vấn đề khác là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra sự liên kết giữa DN Hà Nội và DN của các địa phương với nhau nhằm tạo đầu ra ổn định. Các chính sách ưu đãi khác như thuế đất có nhưng DN khó tiếp cận. Theo ông Đỗ Mạnh Phú - Giám đốc Công ty TNHH Trồng trọt và Chăn nuôi Phú An (Ba Vì), các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dịch bệnh... Bên cạnh đó, việc giá các loại vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp biến động thường xuyên cũng gây khó khăn cho DN…

Cần hỗ trợ phù hợp

Để tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ nhằm thúc đẩy đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; bổ sung chính sách ưu đãi về thuế đất đai sát với thực tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo cơ chế vay vốn với lãi suất thấp và cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ DN, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn ít nhất 8 năm để DN có thể đầu tư vào công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, để tạo điều kiện cho các DN tiêu thụ sản phẩm với số lượng nhiều, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cho các DN tham gia hội chợ, tiền thuê cửa hàng 2-3 năm đầu, thiết bị cơ sở hạ tầng thương mại. Tăng cường đầu tư ngân sách cho các dự án ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, với Nghị quyết 03 vừa ban hành, trong thời gian tới, các DN sẽ được tiếp cận những chính sách ưu đãi về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để DN có thể tiếp cận dễ dàng. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá để người sản xuất, nhà kinh doanh, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm nông nghiệp an toàn, các vật tư sản xuất nông sản sạch để tạo đầu ra ổn định. Các DN của thành phố cần tăng cường liên kết với DN trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm về đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN phải năng động trong tiếp cận thông tin thị trường về giá cả trong nước cũng như quốc tế nhằm điều chỉnh phương án kinh doanh cho phù hợp, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, cung vượt cầu, khiến giá giảm. Các ngành chức năng cần làm mạnh hơn nữa về việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị, các DN, cá nhân làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo đảm công bằng cho các DN làm ăn nghiêm túc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.