Bất động sản

Vì sao công nhân muốn thuê nhà ở?

Dạ Khánh 19/08/2023 - 06:40

Bên cạnh nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân là loại hình nhà ở đang được Chính phủ quyết tâm thúc đẩy phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Tuy nhiên, với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng, nhiều công nhân chỉ muốn được thuê nhà ở với giá ưu đãi.

nha-o-cong-nhan.jpg
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Hiếu

Đa số công nhân muốn thuê nhà

Tìm hiểu nhu cầu chỗ ở của công nhân các khu công nghiệp, phóng viên đã đến Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Đây là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được thành phố Hà Nội xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.

Chị Đặng Thị Thu Huệ (quê Thái Nguyên, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam đang sinh sống tại P212 ĐN1, lô NO 01) cho biết, hai vợ chồng đến Hà Nội làm việc đã 17 năm, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí thuê nhà (1,7 triệu đồng/tháng), điện, nước, sinh hoạt của gia đình, học hành của 2 con, vợ chồng chị không còn nhiều để tích lũy. Xác định khi con lên trung học phổ thông sẽ chuyển về quê sinh sống, nên anh chị không có nhu cầu mua nhà, chỉ cần được thuê nhà ổn định.

Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, chị Lý Thị Lịu (quê Thái Bình, công nhân Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam), sống tại P207 ĐN1 cũng cho hay, mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống nên cũng chỉ có nhu cầu thuê nhà. Chị chưa nghĩ tới tương lai vì đó là chuyện xa vời.

Khu nhà ở Đ5 (thuộc Khu nhà ở dành cho công nhân Kim Chung) được Công ty TNHH Canon Việt Nam thuê để làm ký túc xá cho công nhân còn độc thân. Với sự hỗ trợ từ Công ty, chị Nguyễn Thu Hường (23 tuổi, quê Thái Bình, đang ở trọ cùng phòng với 3 công nhân) cho hay, mỗi tháng chỉ phải trả tiền trọ là 50.000 đồng/người/tháng và không phải trả chi phí điện, nước, wifi vì cũng đã được công ty hỗ trợ. Chị Hường cũng bày tỏ chỉ muốn được hỗ trợ thuê nhà, chứ không có ý định mua nhà vì thu nhập không dư dả.

Tại khu nhà trọ tự xây dựng của ông Lê Xuân Thân (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh), anh Nguyễn Ngọc Trọng (quê Thái Nguyên, Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries Việt Nam) bộc bạch, mặc dù có nghĩ đến việc mua nhà, nhưng mấy năm nay, tình hình công việc ít, thu nhập giảm, nên chỉ mong muốn được thuê nhà với giá ưu đãi...

Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn Lê Văn Nghĩa cho hay, qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương như hiện nay (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính, vì vậy họ có nhu cầu thuê nhà hơn là mua nhà và trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.

Mở rộng thị trường nhà ở cho thuê

Thực tế, thị trường nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp hiện được chia ra những phân khúc khác nhau, gồm để bán, để cho thuê và cho thuê mua. Trong đó, nếu người dân đủ khả năng chi trả thì mua luôn, không thì thuê hoặc có thể thuê mua (trả dần). Điều này tạo sự linh hoạt, hỗ trợ nhiều người có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội đã thiếu, phân khúc nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua còn thiếu hơn trong khi nó lại phù hợp với mức sống, thu nhập của hầu hết công nhân lao động hiện nay.

Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng trong khi trên địa bàn huyện Đông Anh có đến trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp Thăng Long, các Cụm công nghiệp vừa và nhỏ như Nguyên Khê, Vân Hà. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 22.400 công nhân đang phải đi thuê trọ trong các dãy nhà trọ trong khu dân cư với điều kiện ăn ở chật chội.

Riêng tại xã Kim Chung có khoảng 800 hộ dân có nhà cho thuê trọ với trên 5.000 phòng. Do đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh mong mỏi tới đây Chính phủ, các bộ, ngành có quy định pháp luật phù hợp, có chính sách trợ giá để xây dựng các khu nhà ở mà công nhân có khả năng tiếp cận được.

Nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra chính sách tập trung ưu tiên đối với loại hình nhà ở cho thuê, thuê mua để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, Nhà nước cần xem xét ban hành quy định về chính sách phát triển nhà cho thuê. Trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn và chất lượng đối với quản lý nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; hỗ trợ dành cho người thuê nhà. Đồng thời, Nhà nước cần có gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi dành cho các chủ đầu tư nhằm huy động được nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở cho thuê.

Để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần có Quỹ xây dựng nhà ở cho thuê dành cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, phân vai rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, có chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê.

Nhà ở công nhân được coi là chủ trương quan trọng ở thời điểm hiện nay nhưng cần thực hiện hợp lý, phù hợp khả năng và mục tiêu cuộc sống của người dân. Các chính sách về phát triển loại hình nhà ở này cần rõ ràng, khả thi hơn, gia tăng nhà ở cho thuê. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần được phân chia phù hợp cho cả ba bên là chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành, người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao công nhân muốn thuê nhà ở?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.