Bất động sản

Giám sát chặt việc mua nhà ở xã hội

Dạ Khánh 12/08/2023 - 06:32

Sự việc gần 1.500 người bốc thăm “may rủi” chọn quyền trúng suất mua, thuê mua 149 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 7 trường hợp trúng suất mua căn hộ tại dự án này nhưng hồ sơ không hợp lệ...

nha-o.jpg
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã có gần 1.500 người nộp hồ sơ bốc thăm suất mua căn hộ.

Hồ sơ phải đáp ứng yêu cầu gì?

Liên quan đến dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, từ cuối tháng 3-2023, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua đợt 1 của dự án; thời gian từ ngày 28-3 đến ngày 11-5-2023. Đã có gần 1.500 hồ sơ đăng ký.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS, quy chế xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do công ty làm chủ đầu tư căn cứ theo đúng quy định pháp luật. Đối tượng được xét duyệt mua, thuê nhà là người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 và ở trong diện:

Một là, khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở). Trường hợp đã có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng chật chội (dưới 10m2 sàn/người).

Hai là, về điều kiện thu nhập, đây là hộ nghèo, cận nghèo hoặc ở mức thu nhập không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.

Ba là, phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hoặc phải có giấy xác nhận tạm trú từ 1 năm ở Hà Nội trở lên. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ xác nhận về đối tượng, điều kiện thu nhập, cư trú, thực trạng nhà ở (được chính quyền cấp xã, cơ quan chuyên môn, đơn vị nơi công tác xác nhận, đóng dấu).

Về việc 7 trường hợp trúng suất mua mới đây bị phát hiện không đúng đối tượng, hủy quyền mua, thuê mua căn hộ, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho hay: Theo quy định, chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng mua, thuê mua căn hộ nhà ở xã hội phải gửi danh sách tới Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội thành phố Hà Nội, trong đó Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực Hội đồng. Sở sẽ gửi danh sách tới các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để rà soát lại các đối tượng bảo đảm đáp ứng đúng quy định, chưa được mua nhà ở xã hội trước đó... Nếu phát hiện sẽ gửi lại để chủ đầu tư hủy kết quả. Việc lấy ý kiến của các quận, huyện, thị xã đòi hỏi nhiều thời gian hơn, vì lại phải chuyển tiếp về cho các xã, phường xác minh. Phát hiện vi phạm là Sở Xây dựng sẽ gửi luôn tới chủ đầu tư, nên ban đầu qua rà soát từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở xác định 7 trường hợp vi phạm...

Để xảy ra tình trạng hồ sơ không đúng đối tượng là trách nhiệm của UBND cấp xã khi xác nhận về điều kiện cư trú, nhà đất... Chủ đầu tư sẽ phải trở lại quy trình: Thông báo tiếp nhận hồ sơ, tổ chức bốc thăm... để xác định các đối tượng khác đủ điều kiện thay thế.

Làm sao để giám sát chặt?

Xây dựng nhà ở xã hội là chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước (hỗ trợ thuế, tín dụng... cho chủ đầu tư) nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người thu nhập thấp có chỗ ở để an cư. Tuy nhiên lâu nay, do nguồn cung còn thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu nên chính sách này đã bị nhiều đối tượng gian dối, trục lợi.

Để giám sát chặt, bảo đảm nhà ở xã hội đến đúng đối tượng theo quy định, Trưởng phòng Phát triển đô thị Bùi Tiến Thành cho hay, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đúng Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 5-11-2019 của UBND thành phố Hà Nội quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. UBND cấp huyện nơi có nhà ở xã hội có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Tổ giám sát để theo dõi, giám sát việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội kể từ ngày xét duyệt đối tượng đến khi chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng.

Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập danh sách các hộ, cá nhân đã ký hợp đồng (có dán ảnh thành viên gia đình), ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành chung cư, công an khu vực để kiểm tra, theo dõi nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng... nhằm xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, ngày 31-5-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lĩnh vực; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm; đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trước tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội, tình trạng cò mồi, trung gian, rao bán nhà ở xã hội, Bộ đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương (nơi xảy ra hiện tượng trên) kịp thời thanh tra, kiểm tra, rà soát để làm rõ vấn đề báo chí nêu, từ đó có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Về lâu dài, tăng nguồn cung vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội; quản lý, theo dõi chặt chẽ việc mua, bán nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát chặt việc mua nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.