(HNM) - “Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND tôi xin cảm ơn người dân của thành phố chúng ta đã hết sức đồng thuận, đã cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền để sắp xếp vỉa hè, hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì sự nghiệp chung…”. Đó là lời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại hội nghị giao ban trực tuyến tổ chức hôm qua (15-3), khi đánh giá việc ra quân của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Một lời cảm ơn từ lãnh đạo cao nhất thành phố thể hiện sự trân trọng và cầu thị, đồng thời cũng cho thấy niềm tin của chính quyền đặt vào mỗi công dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong việc chung tay xây dựng Thủ đô. Và như lời của Bí thư Thành ủy thì ở đây vai trò quan trọng để chủ trương được triển khai hiệu quả chính là sự đồng thuận của nhân dân.
Có thể nói, chưa khi nào mà câu chuyện liên quan đến trật tự đô thị được quan tâm và đốt nóng dư luận như hiện nay khi thành phố đồng loạt ra quân với mục tiêu lập lại trật tự đô thị, xóa bỏ sự nhếch nhác trên đường phố. Nhưng phải khẳng định, điều chúng ta đang làm không gì khác là nhằm để đường thông, hè thoáng, phố xá sạch đẹp, đô thị văn minh. Đây mới chính là vấn đề mấu chốt, mang tính bao quát hơn rất nhiều so với việc giải quyết quyền lợi của một số đối tượng mưu sinh trên hè phố.
Xét về cấu trúc không gian đô thị, vỉa hè là bộ phận quan trọng cấu thành. Cái khoảng không gian có bề rộng phần nhiều chỉ chừng một hai mét nhưng ở đó là cả một “nền kinh tế” hằng ngày diễn ra nhiều hoạt động sống động. Đơn giản chỉ cần vài mét vuông đất để giữ xe cũng cho thu lợi rất nhiều, hay một sạp hàng buôn bán nhỏ, một quán nước có thể nuôi sống cả gia đình. Nói vậy để thấy, việc thay đổi “nếp sinh hoạt” trên vỉa hè không hề là chuyện đơn giản.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần rạch ròi những người nào mưu sinh trên hè phố đúng luật, người nào vi phạm pháp luật. Hay nói đúng ra thì người dân khi “trả” lại vỉa hè thực chất là trả lại cho cộng đồng cái không thuộc về riêng họ. Bất cứ ai cũng có quyền mưu sinh, có quyền thực hiện các hoạt động kinh tế nếu pháp luật không cấm. Nhưng nếu việc mưu sinh làm ảnh hưởng quyền lợi của người khác hoặc xâm hại đến lợi ích của Nhà nước được pháp luật bảo vệ thì dứt khoát không thể chấp nhận.
Xã hội cần sự văn minh, bộ mặt đô thị cần được bảo đảm mỹ quan, lòng lề đường cần có kỷ cương, trật tự. Đó không chỉ là chuyện cái bậc cửa, mấy cái mái che, tấm biển quảng cáo mà còn là vấn đề an toàn giao thông, trật tự xã hội, cao hơn là môi trường phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây cũng chính là mục tiêu mà Hà Nội đặt ra từ nhiều năm qua, được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" liên tục trong 3 năm gần đây. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc công việc này và theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thành phố có thể xem xét tổ chức những tuyến phố, ngõ xóm được bán hàng một cách trật tự, quy củ để giải quyết những khó khăn cuộc sống của một bộ phận người dân.
Lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè chức năng đúng nghĩa của nó, là việc cần làm. Dẫu rằng có thể ai đó phải hy sinh phần nào quyền lợi của cá nhân mình vì sự nghiệp chung, nhưng cũng không ai có quyền lấy lý do vì sinh kế mà biện minh cho việc làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Bởi đây không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế, chính trị mang tính cộng đồng liên quan đến cả xã hội, tác động đến hầu hết cư dân đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.